Doanh nghiệp đào vàng hủy hoại rừng đặc dụng ở Thái Nguyên: Ủy ban tỉnh báo cáo sai sự thật?
Hoạt động của Cty Thăng Long đã hủy hoại hàng chục ha rừng dặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng. Vụ việc đã được Văn phòng Chính phủ yêu cầu kiểm tra làm rõ.
Khai thác khoáng sản, hủy hoại Khu bảo tồn thiên nhiên!
Quá trình khai thác mỏ vàng sa khoáng bản Ná, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Công ty Cổ phần ĐTXD và khai thác khoáng sản Thăng Long (sau đây gọi tắt là Công ty khoáng sản Thăng Long) bị tố cáo đổ thải, xây dựng công trình đền chùa, mở đường trái phép…
Bức xúc trước việc Công ty khoáng sản Thăng Long và các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao trong quản lý di tích, bảo vệ rừng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, người dân tại Thái Nguyên liên tục có đơn tố cáo vè các vi phạm liên quan đến hoạt động hủy hoại rừng đặc dụng tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Đó là việc Công ty khoáng sản Thăng Long đã tự ý san, bạt ta-luy tạo con đường rộng hơn 10 m chạy từ ngã 3 Ngọc Sơn 2 vào khai trường dài 1,3 km. Con đường thể hiện rõ trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng là đất rừng đặc dụng chưa được chuyển đổi sang mục đích khác.
Ngoài ra, Cty Khoáng sản Thăng Long cũng bị tố cáo khai thác ngoài chỉ giới được cấp phép, xâm phạm vào diện tích rừng đặc dụng lên tới hàng chục ha, trong đó có phần diện tích xây dựng hệ thống nhà văn phòng điều hành và 03 gian nhà thờ tự gồm Đình, Đền, Chùa Bản Ná không phép, xâm phạm nghiêm trọng rừng đặc dụng…
Ngày 23/8/2018, Biên bản làm việc của đại diện Sở NNN&PTNT; Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Võ Nhai; Phòng TNMT huyện Võ Nhai; Đại diện BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng… thừa nhận tuyến đường trên đi qua phần đất quy hoạch rừng đặc dụng.
“Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rằng 2013, phần tuyến đường nằm vào đất rừng dặc dụng khoảng 800 m, nằm trong bìa đỏ đã cấp cho các hộ dân chưa thu hồi và cấp cho BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng, tuyến đường nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Khu vực này có vị trí tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 85”, biên bản trên ghi nhận.
Các cơ quan trên cùng kết luận: Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Thần Sa năm 2013, khu vực văn phòng của Cty khoáng sản Thăng Long và khu vực đình, đền, chùa Bản Ná thuộc lô 2, khoảnh 4, tiểu khu 85, có diện tích khoảng 1,7 ha nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng.
Quần thể, đình, đền chùa và nhà điều hành của Công ty khoáng sản Thăng Long.
Ngày 24/8/2018, tại văn bản số 1555/SNN-KHTC (ông Ngô Xuân Hải- Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên ký) gửi Tỉnh ủy, UBND, Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên cũng xác nhận nội dung như trên.
Tại báo cáo số 99 (ngày 10/9/2018) của UBND tỉnh Thái Nguyên do ông Đoàn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch ký gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng chỉ rõ: “Tổng diện tích khu vực văn phòng Công ty khoáng sản Thăng Long khoảng 1,67 ha, thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.
Khu vực đình, đền, chùa Bản Ná có tổng diện tích khoảng 0,12 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng. Khu vực đổ thải của công ty thực tế khoảng 5,78 ha, trong đó có 5,3 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng”.
Đến báo cáo sai sự thật?
Tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo làm rõ nội dung tố cáo của công dân. Ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 289/BC-UBND gửi Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo trên là kết quả sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra các nội dung tố cáo của công dân và phản ánh của báo chí về vụ việc.
Tại kết luận kiểm tra số 4615/KL-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn do ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký thì lúc này câu chuyện về việc Cty khoáng sản Thăng Long xâm phạm đất rừng đặc dụng lại bị bẻ ngoặt 180 độ so với báo cáo 99.
Tại kết luận kiểm tra này, UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Đối chiếu với bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, giai đoạn 2003-2010; Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 thì phần diện tích để làm đường không có rừng đặc dụng”.
Văn bản của UBND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên xác nhận có gần 10 ha quy hoạch rừng đặc dụng tại tại lô 1, khoảnh 12; lô 1 khoảnh 2 tiểu khu 85.
UBND tỉnh Thái Nguyên tiền hậu bất nhất khi kết luận: Việc xác định hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, năm 2013 xác định là đất rừng đặc dụng là chưa phù hợp (giữa các loại bản đồ sử dụng đất và bản đồ quy hoạch 3 loại rừng là chưa có sự thống nhất).
Cùng mục 4 (trang 14) của Kết luận kiểm tra số 4615, UBND tỉnh Thái Nguyên một mặt thừa nhận các công trình đình, đền, chùa được xây dựng kiên cố, bằng gỗ và bê tông cốt thép, diện tích 1.200 m2, không có hồ sơ xây dựng.
Nhưng mặt khác lại cho rằng Công ty khoáng sản Thăng Long chỉ… thu dọn đất đá sạt xuống, không xâm phạm vào rừng. UBND tỉnh Thái Nguyên lần này đã phớt lờ việc kết luận việc xây dựng các công trình này có xâm phạm vào đất rừng đặc dụng hay không.
Trên thực tế, việc xây dựng các công trình đình, đền, chùa này theo quy định buộc phải được sự thẩm định, cho phép bởi các cơ quan quản lý Nhà nước về di tích, văn hóa, xây dựng.
Thế nhưng để lý giải cho sai phạm nghiêm trọng này, tại kết luận trên, UBND tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng việc làm này là… được sự đồng ý của nhân dân, được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên công nhận Chùa Vàng (Bản Ná tự), xã Thần Sa, huyện Võ Nhai là cơ sở Phật giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên mà bỏ qua vai trò quản lý của UBND tỉnh.
(Còn nữa)