Dịch sởi lan rộng, nhiều ca biến chứng có phải do vi rút sởi biến đổi gen?
Dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
PGS. TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho BN sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai (Ảnh: TTXVN)
Báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.
Mới đây nhất, bệnh viện Bạch Mai cho biết đang điều trị cho nữ bệnh nhân 28 tuổi ở Hoàn Kiếm Hà Nội do viêm não - màng não biến chứng từ sởi. Được biết hiện nay tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở oxy, đang được theo dõi sát tại phòng hồi sức cấp cứu.
Trả lời báo báo Sức khỏe và Đời sống, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Sở Y tế Hà Nội cảnh báo thời tiết bắt đầu mưa ẩm, thuận lợi để phát sinh và phát triển các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm. Vì vậy, theo dự báo, số ca mắc sởi có thể gia tăng trong thời gian tới.
Phòng chông bệnh sởi thế nào?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.
Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Cụ thể:
Đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại xã phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.
Tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm bổ sung vắc xin sởi -rubella trong chiến dịch (tháng 12/2018 và tháng 1/2019), cần được tiêm vét ngay càng sớm càng tốt.
Đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng