Dịch Covid-19: Trốn khai báo y tế - hiểm họa khôn lường
Đến cuối ngày 8/3, cả nước ghi nhận đã có 30 ca dương tính với Covid - 19 trong đó 16 ca đã chữa khỏi. Điều đáng nói, ca mắc đầu tiên ở Hà Nội (bệnh nhân 17) đã có dấu hiệu bị bệnh khi ở Anh, về nước, không khai báo y tế cho đến khi bệnh nặng phải nhập viện, sau 1 tuần bệnh khởi phát và đã lây bệnh cho rất nhiều người.
Tốc độ lây lan đáng sợ
Bệnh nhân (BN) 17 N.H.N là bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên của Hà Nội và là ca bệnh thứ 17 của Việt Nam, sau 23 ngày Việt Nam không xuất hiện ca bệnh mới. BN đã về Việt Nam từ ngày 2/3 sau khi đi du lịch từ Ý, Anh, Pháp. Cô này đã có hiện tượng ho, sốt từ ngày 29/2 khi đang ở bên Anh nhưng khi về nước không khai báo mà tự cách ly ở nhà.
Đến ngày 5/3, sau khi bệnh nặng hơn BN 17 mới đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc và được chẩn đoán viêm phổi. Sau khi điều tra dịch tễ, Bệnh viện Hồng Ngọc lập tức thông báo cho cơ quan chức năng, chuyển BN 17 đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Xét nghiệm sau đó đã chẩn đoán BV 17 mắc Covid-19. Hiện bệnh nhân được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, sức khỏe ổn định, chỉ ho, sốt nhẹ.
Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã cách ly và cho xét nghiệm những người có tiếp xúc gần với BN 17. Đến nay đã xác định 2 người khác đã lây bệnh từ BN 17 là bà L.T.H (SN 1956, bác ruột) và anh D.Đ.P (SN 1993, lái xe riêng của gia đình).
Sáng 8/3, Hà Nội tiếp tục xác nhận BN Covid-19 thứ 4 là ông N.Q.T (61 tuổi) ngồi cùng hàng ghế với BN 17 (không xác định là lây từ BN 17 hay từ người khác).
Tuy nhiên, hậu quả không khai báo y tế sớm của BN 17 là hàng nghìn người đã bị ảnh hưởng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội đã điều tra và cho cách ly 130 người tiếp xúc gần (F1) với BN số 17, gần 230 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2); lấy mẫu xét nghiệm 53 người.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu độc khử trùng tại phố Trúc Bạch (Hà Nội). (ảnh: H.H)
Tại Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội), nơi BN 17 sinh sống, Hà Nội đã huy động quân đội cho khử trùng cả khu phố; điều tra, khoanh vùng cách ly khu vực ở phường Trúc Bạch 66 hộ gia đình với 189 người; lấy 148 mẫu xét nghiệm.
Tính riêng tại BV Hồng Ngọc nơi BN 17 đi khám ban đầu đã phải phun khử trùng toàn bộ BV, yêu cầu BV không được tiếp nhận bệnh nhân mới, với những bệnh nhân hiện tại cần tiếp tục điều trị và cho cách ly tại BV; đã cách ly 120 bác sĩ của 2 BV Hồng Ngọc và BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư (F2); 64 bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà.
Trên chuyến bay VN0054 mà BV 17 đã bay có 217 người được điều tra. Trong đó hành khách khoang VIP ngồi gần BN 17 là 21 người, hành khách phổ thông là 180 người, tổ bay và tiếp viên là 16 người.
Tuy nhiên, hiện mới xác định được nơi đến của 21/21 hành khách hạng thương gia, 155 người/180 hành khách phổ thông. Trong đó 60 người lưu trú tại Hà Nội đều đã được cách ly. Nhiều địa phương cũng khẩn trương cách ly các đối tượng cùng chuyến bay với BN 17 là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM... Gần 200 người đều đã được cách ly.
Còn không ít người đã không còn ở nơi lưu trú khiến cơ quan chức năng đang phải tìm kiếm như “tìm chim”. Đó là chưa kể đến các ca tiếp xúc với bệnh nhân lây nhiễm Covid-19 từ BN 17 (bác ruột và lái xe) cũng lên đến hàng trăm người.
Máy bay VN0054 dù đã được khử trùng nhưng cũng tạm ngừng bay. Thậm chí y tế các nước Anh, Pháp, Ý nơi BN 17 đi qua cũng sẽ phải khổ sở truy lùng các điểm đến và người tiếp xúc gần với cô này. Điều này là không dễ đối với các điểm du lịch, không phải là người thân quen.
Trước đó, cũng đã có một cô gái (Bình Dương) và 1 chàng trai (Hà Nội) khi trở về từ vùng dịch Hàn Quốc nhưng đã trốn không khai báo y tế. Sau đó còn lên mạng đăng tin “hướng dẫn” về việc trốn cách ly của mình. Ngành y tế Hà Nội và Bình Dương đã phải vào cuộc đưa hai người đi cách ly, đồng thời hàng chục người tiếp xúc gần với 2 đối tượng này cũng phải cách ly, theo dõi y tế.
Ý thức để bảo vệ mình và cộng đồng
Khó có thể đo đếm hết những thiệt hại liên quan về tiền bạc, thời gian, sức người, ảnh hưởng ổn định kinh tế, xã hội khi một bệnh nhân không khai báo y tế.
Về hậu quả của việc không khai báo y tế của BN 17, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện cũng cho rằng, là người có học thức cao, khi đi qua các nước có dịch, bản thân cũng có các triệu chứng mắc bệnh (ho, sốt) thì BN 17 đáng nhẽ phải khai báo với cơ quan chức năng ngay để được hỗ trợ đưa đi cách ly, điều trị thì lại giấu bệnh.
“Thời gian qua cả hệ thống chính trị của chúng ta đã và đang rất nỗ lực trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, cũng đã đạt được những kết quả rất tốt, được thế giới đánh giá cao, nhân dân đang rất mừng. Nhưng chỉ một việc kém ý thức của BN 17 đã khiến cả Hà Nội vất vả, tốn kém kinh tế, sức lực, gây hậu quả lớn về tâm lý, tư tưởng của cộng đồng” - ông Nhưỡng cho biết.
Hoãn công tác nước ngoài, tập trung phòng chống dịch Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, cân nhắc, tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời gian này để tập trung chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh. |
Nói về cơ chế lây lan, PGS-TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, bệnh lây qua các giọt bắn đường hô hấp qua tiếp xúc với người mang virus khi họ nói, ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào. Do đó, những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh; Những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu..., trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh; những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh...
“Do đó, việc phát hiện sớm các ca bệnh ban đầu, cách ly bệnh nhân và những người tiếp xúc sẽ có ý nghĩa lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Một người mắc bệnh mà trì hoãn khai báo y tế sẽ càng làm tăng nguy cơ người tiếp xúc với nguồn bệnh từng phút, từng giờ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần kêu gọi sự giác ngộ, ý thức của người dân trong việc tự nguyện khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về, khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc, khi có các triệu chứng ho, sốt và nghi ngờ mình bị mắc bệnh. Một người bị bệnh không khai báo y tế sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, tốn kém công sức, tiền của... vô cùng” – PGS Phu nói.
PGS Phu cũng dẫn chứng, giống như ở Vĩnh Phúc, đặc biệt là Sơn Lôi (Bình Xuyên), sau khi xác định ca bệnh đầu tiên, đồng thời nhận định ca bệnh đã lây ra cộng đồng, lập tức ngành y tế đã vào cuộc, cho cách ly bệnh, nhân, cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần... Nhờ vậy mà virus corona đã được chặn đứng nhanh chóng, không lây lan thêm ra cộng đồng. “Quan trọng nhất là chúng ta đã nhanh chóng phát hiện ra ca bệnh thứ nhất (ca bệnh đến từ vùng dịch) và kịp thời khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc, cách ly ngiêm ngặt. Nhờ đó cơ hội “dập dịch” nhanh hơn” – PGS Phu nói.
Bác sĩ Trần Quang Vịnh - Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) là người đã nhiều ngày theo dõi điều trị cho nhiều người dân được cách ly ở vùng dịch xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, những người trốn cách ly, bị bệnh không khai báo thường là do chủ quan với sức khỏe của mình. Cũng có người e ngại vào cách ly sẽ thiếu thốn, sợ bị kỳ thị. “Tuy nhiên, đây là hành vi nguy hiểm làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, của ngành y tế, thậm chí nỗ lực, cố gắng của hàng triệu người dân. Đó là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng” – bác sĩ Vinh nói.
Hiện nay các cơ sở y tế đều được hướng dẫn, yêu cầu phân luồng đối với những bệnh nhân đến khám bệnh có triệu chứng cảm cúm, viêm đường hô hấp. Do đó, người dân khi có các triệu chứng ho sốt, mỏi mệt cần đi khám ở các cơ sở y tế để được điều trị. Ở đó, các bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán xem bệnh nhân có các yếu tố dịch tễ có nguy cơ mắc Covid-19 hay không để hướng dẫn người dân điều trị cảm cúm thông thường hay lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Covid-19”. PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). |