Dịch Covid – 19 tái bùng phát, hơn 30.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, có 33.600 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 21.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%.
Như vậy, từ đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có 16.800 DN rút lui khỏi thị trường. Theo đó, các DN ngừng kinh doanh có thời hạn tập trung nhiều ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, xây dựng.
Đánh giá từ phía Tổng cục Thống kê cho thấy, nguyên nhân khiến số lượng tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ là DN muốn tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường. Qua đó, DN tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi quyết định có đóng cửa vĩnh viễn hay không.
Dịch Covid - 19 khiến nhiều doanh nghiệp đưa ra quyết định giải thể.
Trong khi số lượng giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh, ở chiều ngược lại, DN thành lập mới thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, 2 tháng đầu năm ghi nhận hơn 18.100 DN thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385.600 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.500 DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động cũng giảm gần 8%, chỉ với hơn 11.000 DN. Số DN quay lại hoạt động giảm ở 12/17 lĩnh vực, chủ yếu là các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19 như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Giáo dục và đào tạo; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Vận tải kho bãi...
Ngoài ra, cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước. Đây là mức CPI tăng cao nhất của tháng 2 trong 8 năm gần đây.
Nguyên nhân được xác định do sự tăng giá của nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Khu vực thành thị tăng 1,45%; Khu vực nông thôn tăng 1,59%. Trong đó, khu vực nông thôn có tốc độ tăng CPI cao hơn khu vực thành thị chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm điện sinh hoạt có mức tăng cao.