Đến chỗ 'thầy lang vườn' chữa bệnh, người phụ nữ suýt mất cánh tay

07-07-2020 09:06:44

Sau khi đến chỗ 'thầy lang vườn' bó thuốc vào khớp vai, khớp vai phải của bệnh nhân sưng nề và mất dần chức năng, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể mất cả cánh tay.

Mới đây, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bướu đại bào xương trên xương cánh tay kích thước khổng lồ sau chấn thương khớp vai.

Cụ thể, bệnh nhân là chị Nguyễn Thị C. (sinh năm 1987, trú tại Cà Mau). Chị C nhập viện ngày 30/6 trong tình trạng sưng u mỏm xương tay vai phải, tay phải tê bì mất chức năng cầm nắm.

Khai thác bệnh án của bệnh nhân được biết, cách đây 4 tháng, chị C. bị ngã chống tay phải xuống đất. Sau tai nạn, chị C. thấy đau âm ỉ ở vai phải, đã khám và điều trị tại y tế địa phương, được kết luận là không gãy xương. 

Tuy nhiên, sau đó chị C. không uống thuốc mà bệnh viên kê đơn và cũng không tái khám, mà đến chỗ “thầy lang vườn” bó thuốc vào khớp vai. Sau khi bó thuốc, khớp vai phải của chị C. sưng nề và mất dần chức năng. 

Thấy lo lắng, chị C. đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau khám và được chuyển viện đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ). 

Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ đã khám và chẩn đoán bệnh nhân bị bướu đại bào xương trên xương cánh tay kích thước khổng lồ. Theo các bác sĩ khối bướu quá lớn, phá hủy hoàn toàn vỏ xương ở đầu trên xương cánh tay, xung quanh bướu có nhiều mạch máu tăng sinh. 

Ảnh minh họa

Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối bướu. Ngày 30/5, bệnh nhân đã được chụp và làm tắc mạch máu quanh bướu trước khi phẫu thuật để đảm bảo an toàn. 

Ngày 1/7, sau hơn 5h làm việc tích cực, ê-kíp phẫu thuật đã phẫu thuật cắt thành công khối bướu, cố định lại xương cánh tay vào đai vai. Kích thước bướu được bóc ra là 16cm x 13cm. 

Ngày 6/7, bệnh nhân đã tỉnh táo, vận động khuỷu tay và cẳng, bàn tay phải tốt. Mạch quay và trụ bên phải rõ, không tê hoặc mất cảm giác vùng cẳng bàn tay. Sức khỏe bệnh nhân cũng dần ổn định hơn.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình bệnh viện, nguyên nhân khiến tổn thương xương của chị C. càng trở nên trầm trọng là do bệnh nhân tự ý đắp thuốc lá, đây cũng là cơ hội để bướu đại bào xương hình thành và phát triển.

Bác sĩ Em cũng cho biết, bướu đại bào xương là một loại bướu giáp biên ác, gây xâm lấn tại chỗ và có khả năng di căn. Hiện y khoa vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh, nhưng ghi nhận tỉ lệ mắc cao ở những bệnh nhân bị chấn thương xương sau tai nạn nhưng không điều trị cẩn thận. 

Bướu đại bào xương có tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật khá cao, khoảng 25%. Vì vậy, sau phẫu thuật cần tái khám mỗi 3 hoặc 6 tháng để theo dõi và phát hiện u tái phát, thời gian theo dõi trung bình là 3 năm ở giai đoạn sớm và 5 năm ở giai đoạn muộn.

Bướu đại bào xương diễn tiến chậm trong im lặng, nếu không phát hiện kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao phải cắt bỏ chi, trở nên tàn tật, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sinh hoạt.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, những người có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh bướu đại bào xương có khả năng mắc bệnh cao cần cảnh giác, đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //