Đất vàng cùng những quan chức nhúng chàm

25-04-2021 11:00:07

Phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm, khiến hơn 6.000 m2 đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP HCM ) rơi vào tay tư nhân đang diễn ra thu hút sự chú ý của xã hội.

Đây cũng là đại án liên quan tới cựu quan chức cấp cao của Bộ Công thương cũng như nguyên lãnh đạo TP HCM. Cụ thể là Tổng Công ty Sabeco (trực thuộc Bộ Công thương, được giao quản lý khu đất) đã cấu kết với các cá nhân, nhóm doanh nghiệp, lách luật để thâu tóm khu đất vàng tại TP HCM.

Trong vụ án này, nổi bật là vai trò của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM  Nguyễn Hữu Tín.


Từ trái qua phải: Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín.

1. Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng “có vai trò chính, trực tiếp” trong sai phạm liên quan hơn 6.000 m2 đất ở trung tâm TP HCM.

Theo cáo trạng, ông Vũ Huy Hoàng có trình độ, kinh nghiệm và kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại: Đã trải qua nhiều cương vị công tác, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công thương; có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) khác thuộc Bộ Công thương, trong đó có Sabeco.

Từ những năm 2011-2012, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là bất động sản, tài chính. Khi Sabeco triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM), Tổng công ty này đã không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng. Nắm rõ việc này, nhưng ông Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án.

Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng chỉ đạo nguyên Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) ra các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các DN tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã phê duyệt, mà chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) tại Sabeco Pearl cho DN tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng 6.080 m2 đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản nhà nước sang tư nhân.

Cáo trạng nêu, “hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; gây thiệt hại, thất thoát 2.700 tỷ đồng”.

Ông Vũ Huy Hoàng bị Bộ Công an khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

2. Dù cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn (bị truy nã quốc tế), song lời khai của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thể hiện rõ vai trò của bà Thoa khiến lô đất vàng Sabeco rơi vào tay tư nhân.

Hôm nay 23/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục phần thẩm vấn.

Theo  ông Phan Đăng Tuất - nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước giai đoạn 2012-2015, ông này đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương. Việc liên doanh với DN nào đều do lãnh đạo Bộ Công thương quyết định.

Ông Tuất khẳng định việc ông làm đều có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công thương.

Điều tra cho biết, cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có vai trò trong việc để xảy ra các sai phạm tại dự án. Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, bà Thoa được phân công phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ, trong đó có Sabeco. Mọi công việc liên quan đến Sabeco đều do bà Thoa và bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) phụ trách.

Trong khi đó, cáo trạng nêu, bà Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng chỉ đạo thành lập Sabeco Pearl cùng các DN tư nhân để đầu tư thực hiện Dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM . Sau đó, Sabeco đã thoái toàn bộ vốn góp trong dự án này cho DN tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất này từ tài sản nhà nước sang tư nhân trái pháp luật; gây thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước.

3. Với cương vị Phó Chủ tịch UBND TP HCM , ông Nguyễn Hữu Tín đã ký các văn bản trái quy định liên quan khu đất vàng 6.000 m2. Ông Tín bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Năm 2011, khi là Phó Chủ tịch UBND TP HCM  phụ trách quản lý đất đai và tài nguyên, ông Nguyễn Hữu Tín biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp để Sabeco xây dựng khu phức hợp. Theo quy định của pháp luật về đất đai, Sabeco phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nộp tiền), được cấp sổ đỏ khu đất thì DN mới được dùng quyền sử dụng đất đó để góp vốn.

Trong trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND TP HCM  phải thu hồi khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Sau đó, cơ quan chức năng tổ chức đấu giá theo quy định.

VKS cáo buộc ông Nguyễn Hữu Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là DN nhà nước, thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê đất thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng. Quá trình điều tra cho thấy, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM  thừa nhận ký các quyết định nêu trên là trái quy định, không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá.                 

Bị cáo buộc gây thất thoát lãng phí hơn 2.713 tỷ đồng, ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, cùng 9 bị cáo khác hầu tòa lần 3 do 2 lần trước bị hoãn. Các bị cáo bị cáo buộc tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Trước đó, hai phiên tòa được mở ngày 7/1 và 18/1/2021 đã bị hoãn do vắng bị cáo Nguyễn Hữu Tín, thẩm phán Chử Phương Ngọc và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như ông Phan Văn Tuất, Võ Thanh Hà - đều là nguyên chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco; ông Lê Hồng Xanh- Chủ tịch HĐQT Sabeco...

 

QUANG NGỌC
Theo Đại Đoàn Kết //