Đắp thuốc nam chữa rắn cắn, nam thanh niên bị hoại tử bàn tay

30-10-2020 10:41:40

Sau 1 tuần đắp thuốc nam vào vị trí bị rắn hổ mang cắn, nam thanh niên sốt cao, bàn tay trái sưng nề, thâm tím, chảy dịch mủ màu vàng, mùi hôi, có dấu hiệu hoại tử.

Bàn tay trái của nam thanh niên sưng nề, hoại tử do đắp thuốc nam điều trị sau khi bị rắn cắn. Ảnh: Zing

Ngày 30/10, VTV News dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị hoại tử bàn tay trái, tiên lượng nặng do tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà sua khi bị rắn cắn.

Bệnh nhân là anh B.Q.Đ. (26 tuổi, địa chỉ tại Quảng Yên, Quảng Ninh). Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây một tuần, anh Đ. bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón trỏ bàn tay trái. Sau đó, gia đình không đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế mà tự điều trị ở nhà bằng cách đắp thuốc nam lên vị trí rắn cắn.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, Đ. có biểu hiện sốt cao, sưng nề bàn tay, lan lên toàn bộ cánh tay trái. Đặc biệt, bàn tay trái của bệnh nhân thâm tím, chảy dịch mủ màu vàng, mùi hôi. Lúc này, gia đình mới đưa Đ. đến bệnh viện điều trị, các bác sĩ nhận định bệnh nhân tiên lượng nặng.

Trao đổi với Zing, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay, một trong những sai lầm lớn nhất khi sơ cứu người bị rắn cắn là áp dụng phương pháp dân gian, chưa có cơ sở khoa học để điều trị.

Theo các bác sĩ, khi bỏ lỡ thời gian "vàng" trong điều trị nọc độc do rắn cắn gây ra sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới cơ thể, dẫn đến suy hô hấp, hoại tử, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. 

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu không may bị rắn độc cắn, tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian chưa có cơ sở khoa học để điều trị. Cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách để hạn chế chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể.

Đầu tiên, cần động viên bệnh nhân bình tĩnh và hạn chế cử động. Tiếp đến, điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim để làm chậm mức độ hấp thu độc tố, làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

Sau đó, bất động chân, tay người bị rắn cắn (bằng vải hoặc nẹp) để làm chậm sự xâm nhập của nọc độc (đặc biệt cần băng ép bất động khi bị các loại rắn độc cắn như rắn hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia… để làm chậm sự xuất hiện của triệu chứng liệt). Cuối cùng, dùng một miếng gạc hoặc vải khô và sạch để băng kín vùng bị cắn và đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //