Đào sẵn huyệt mộ bởi nắng nóng như thiêu như đốt, vượt ngưỡng 53 độ C
Người dân Pakistan đã chuẩn bị những biện pháp để chống nắng nóng từ rất sớm, thậm chí có nhiều người còn chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất là đào sẵn mộ.
Có thể nói, số người thiệt mạng tại Pakistan vì nắng nóng không kém gì bất kỳ một thiên tai lớn như bão lũ hay động đất sóng thần. Có nhiều người đang đi trên đường đã ngã quỵ xuống chết. Theo thống kê, tại đất nước này có hơn 1300 người thiệt mạng vì nắng nóng.
Hàng nghìn người chết chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã khiến cho việc chôn cất gặp rất nhiều khó khăn. Để rút kinh nghiệm, năm nay người dân Pakistan đã chuẩn bị những biện pháp để chống nắng nóng từ rất sớm, thậm chí có nhiều người còn chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất là đào sẵn mộ.
Tại nghĩa trang ở thành phố Karachi của Pakistan, các công nhân đang làm việc không ngừng nghỉ để đào các hố chôn nhằm đề phòng số lượng người tử vong vì sốc nhiệt trong dịp hè.
Người dân đào sẵn mộ dự phòng. Ảnh: VTC14
Các công nhân cho biết, họ sẽ đào trước khoảng 300 ngôi mộ để ứng phó với tình trạng xấu nhất trong dịp hè năm nay. Không chỉ riêng Pakistan, tại Ấn độ vào cuối tháng 5/2015 cũng đã có ít nhất 1.826 người thiệt mạng do nắng nóng kéo dài.
Trước đó, năm 2015, giới chức Pakistan cho biết gần 700 người ở miền nam nước này đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài ba ngày và các bác sĩ phải tích cực cứu chữa bệnh nhân sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố tại nhiều bệnh viện.
Nơi chôn cất những người chết vì nắng nóng. Ảnh: AFP
Phần lớn người thiệt mạng sinh sống ở thành phố cảng Karachi, cửa ngõ kinh tế với khoảng 20 triệu dân của Pakistan và là thủ phủ tỉnh Sindh. Nhiệt độ nơi đây vào cuối tuần qua là 45 độ C, AFP dẫn lời Sabir Memon, quan chức y tế tỉnh cấp cao cho biết.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif kêu gọi Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) có biện pháp khẩn cấp sau khi số người chết do nắng nóng tăng lên gần 700. Theo BBC, nhiệt độ cao nhất ở Karachi là 47 độ C, ghi nhận vào năm 1979.
Quân đội Pakistan được điều động để thiết lập các trung tâm đối phó sốc nhiệt và hỗ trợ NDMA. Semi Jamali, bác sĩ tại bệnh viện lớn nhất ở Karachi, cho biết họ đã điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân. Hơn 200 người trong số này đã chết trước và sau khi nhập viện. Phần lớn nạn nhân là người lớn tuổi trong các gia đình có thu nhập thấp.