Đạo diễn chương trình Đồng Lộc - Bài ca bất tử: '10 cô gái mặc áo trắng tượng trưng cho 10 thánh nữ'
Theo đạo diễn chương trình nghệ thuật Đồng Lộc - Bài ca bất tử, 10 cô gái mặc áo dài trắng là đang hiện thánh, tượng trưng là 10 thánh nữ.
Đạo diễn chương trình Đồng lộc - Bài ca bất tử: 'Các cô hiện thánh là 10 thánh nữ'. Ảnh Vietnamnet.
Mới đây, trong chương trình kỷ niệm 50 năm, chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (24/7/1968 – 24/7/2018) và 71 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947) đã diễn ra chương trình nghệ thuật Đồng Lộc – Bài ca bất tử.
Đáng chú ý, trong chương trình này xuất hiện clip lần lượt 10 cô gái mặc áo dài trắng đứng trên đồi thông và tan biến dần tượng trưng cho 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh.
Nhiều người cho rằng hình ảnh đó phản cảm, ma mị không phù hợp với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong đã hóa thành bất tử.
Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Lê Thụy chia sẻ trên Vietnamnet, hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng từ từ xuất hiện rồi tan biến trong chương trình nghệ thuật là dụng ý cho 10 nữ thanh niên xung kích hy sinh hiện thánh. Ông rất buồn khi có nhiều ý kiến không hay trên mạng xã hội nói về hình ảnh đó.
“Mọi người nên nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và hiểu hết dụng ý nghệ thuật. Từng tiếng chuông chùa vang lên, lần lượt xuất hiện 10 cô gái mặc áo dài đứng trên đồi đó là ý tưởng các cô hiện thánh là 10 thánh nữ, là liệt nữ”, ông Lê Thụy cho biết thêm.
Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh khẳng định phía Sở không được giao về tham mưu ý tưởng kịch bản. Cũng theo ông, hình ảnh 10 cô gái mặc đồ trắng đứng ở đồi thông khi tổng duyệt chương trình không thấy có. Còn khi chương trình biểu diễn ông bận tiếp khách nên không để ý có hay không hình ảnh đó.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh, Vnexpress đưa tin.
Trong những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc là mạch giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Nay Đồng Lộc đã trở thành Khu di tích lịch sử đặc biệt.
Những năm 1964 - 1972, Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá cày đi xới lại.
Ngày nay, những hố bom tại Đồng Lộc đã được nhà chức trách đánh dấu, trở thành những chứng tích chiến tranh.
Theo tư liệu, trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.
Xem thêm: Tranh cãi gay gắt về việc 'Quỳnh búp bê' bị dừng phát sóng trên VTV