Đánh thức tiềm lực và chuyện ‘Tiễn ông Sáu Dân đi làm kinh tế’

25-06-2018 21:38:05

Dưới tên bài thơ “Đánh thức tiềm lực”, nhà thơ Nguyễn Duy viết lời đề từ: “Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”…

Sáng nay (25/6), hơn 900.000 thí sinh đã bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Đề văn gồm 2 phần, 6 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút.

Phần I của đề thi trích dẫn đoạn đầu bài thơ “Đánh thức tiềm lực”của Nguyễn Duy và nêu câu hỏi về sứ mệnh của mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực đất nước.

Đoạn thơ như sau:

“Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

 

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

****

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...”

“Đánh thức tiềm lực” là một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy, được sáng tác và công bố vào đầu thập niên 80 (của thế kỷ XX).

Không chỉ phản ánh tình hình xã hội đương thời, nói lên nỗi lòng của nhân dân, “Đánh thức tiềm lực” còn là bài thơ gắn liền với chính khách xuất sắc Võ Văn Kiệt khi ông đang đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy TP. HCM và chuẩn bị ra Trung ương làm Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ.

Trong tùy bút “ Hành trình thơ - Đánh thức tiềm lực” nhà thơ Nguyễn Duy cho biết khoảng đầu thu năm 1982, ông Võ Văn Kiệt sắp sửa thôi giữ chức Bí thư Thành ủy để ra Hà Nội làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (tức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bây giờ).

Khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em thân thiết (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Võ Văn Kiệt đến… chơi!

Cuộc "chơi" hôm đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá, nhà thơ Nguyễn Duy và ông Võ Văn Kiệt.

“Với nét cười hồn hậu, cởi mở, ông Sáu (bí danh của ông Võ Văn Kiệt) nói rất ít, không một lời ‘huấn thị’, chỉ kể một kỷ niệm vui vui hồi chiến tranh, rồi chăm chú lắng nghe chúng tôi hát và ‘tự do ngôn luận’.

“Nguyễn Quang Sáng nói chuyện viết và lách, viết đã khó, lách còn khó hơn. Trịnh Công Sơn vừa hát tình ca vừa góp ý với lãnh đạo thành phố về vấn đề… ẩm thực. Trần Long Ẩn trổ tài ‘ca bài ca cà chớn’, những ca khúc lời nhại hài hước diễu cợt cả thời đại. Còn tôi, không biết nói gì hơn là ‘xin đọc tặng anh Sáu một bài thơ vừa ráo mực, bài Đánh thức tiềm lực’...", nhà thơ Nguyễn Duy hồi tưởng.

Theo nhà thơ Nguyễn Duy, bài “Đánh thức tiềm lực” đã được ông “thai nghén”  trong nhiều năm trời. Cứ viết lại xóa, lại chỉnh sửa, lại thêm thắt, cho đến giữa năm 1982, bài thơ mới chính thức hoàn thành với độ dài lên tới mấy trăm dòng.

Trong cuộc gặp mặt với ông Võ Văn Kiệt hôm đó, nhà thơ Nguyễn Duy đã “đứng ngay ngắn, nhìn thẳng ông Sáu mà đọc. Tôi thấy ông không cười cười nữa, hơi cúi đầu đăm chiêu với gương mặt bình thản không phơi lộ cảm xúc”.

Khi kết thúc bài thơ, “ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: ‘Nặng lắm. Nhưng chịu được’. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: ‘Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể cả ngày không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể cả tuần cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được...", nhà thơ Nguyễn Duy kể.

Sau cuộc đọc thơ đó, bài thơ “Đánh thức tiềm lực” được tác giả mang đi đọc và phổ biến ở nhiều nơi.

Nhưng cũng phải tới năm 1987, một năm sau Đổi mới, bài thơ “Đánh thức tiềm lực” được chính thức đăng nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ, được phát hành khắp trong nước và ngoài nước. Đó cũng là năm bài thơ được “đàng hoàng” in trong tập thơ Mẹ và em cùng với bài viết "Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

“Có một dòng đề từ ngay dưới tên bài thơ, tôi viết thêm sau cuộc đọc thơ vừa kể, để ghi nhớ một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ trước đổi mới: ‘Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế’. Chính nhờ có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, những người dám ‘xé rào cơ chế’, dám ‘chịu nghe’ những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày ‘dễ thở hơn’ như hôm nay”, nhà thơ Nguyễn Duy viết.

Lê Nguyễn
Theo Tạp chí Nhà đầu tư //