Dân khóc ròng vì mua đất nền gần 10 năm vẫn… nằm trên giấy

12-10-2018 09:47:27

Quảng cáo, giao dịch… rầm rộ nhưng hơn 10 năm trôi qua Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long (Công ty Phi Long) chủ đầu tư - Dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn tại số D14/391A Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn chưa thực hiện xong khâu bồi thường giải tỏa, khiến nhiều người dân khóc ròng.

Theo phản ánh của người dân, vào khoảng năm 2010, nghe Công ty Phi Long rao bán đất nền dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn nên họ tìm đến mua.

Lúc này, Công ty Phi Long đưa bản đồ phân lô với nhiều hình ảnh những ngôi nhà phố lung linh, một biệt thự hoành tráng làm trụ sở công ty nằm giữa dự án và một đoạn đường khoảng 500m cũng vừa làm xong.

Thấy dự án có vị trí thuận lợi, cộng thêm những lời “có cánh” của các nhân viên tư vấn, nhiều người đã đổ tiền vào mua.

Theo hợp đồng, trong 24 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, Công ty Phi Long có nghĩa vụ xây dựng xong hạ tầng dự án và bàn giao nền cho khách hàng để xây dựng nhà ở.

Thế nhưng, hơn 10 năm qua, tiến độ xây dựng dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, nhiều năm liền dự án không có dấu hiệu được triển khai, phần lớn dự án là một khu đất toàn ao hồ, đồng ruộng.

Bức xúc, khách hàng đã khiếu nại nhiều lần nhưng chủ đầu tư chỉ hứa hẹn, không giải quyết. Chờ hết năm này sang năm khác mà dự án vẫn không “nhúc nhích”, nhiều khách hàng tìm đến chủ đầu tư thì phát hiện công ty đã đóng cửa, chủ đầu tư “biến mất”.

Ông Bùi Đức Tài, một khách hàng mua nền dự án kể, ông ký hợp đồng mua đất của Công ty Phi Long năm 2009, giá 525 triệu đồng và đã thanh toán 395 triệu đồng (tương đương 80% giá trị hợp đồng).


Hơn 14 năm, phần lớn dự án là một khu đất toàn ao hồ, đồng ruộng.

Theo hợp đồng, năm 2011, công ty phải giao đất cho ông, nhưng đến nay vẫn chưa có. Ông đã khiếu nại, sau nhiều lần hứa hẹn, Công ty Phi Long cắt liên lạc luôn.

“Tôi là người khuyết tật, làm việc cực khổ gần 20 năm mới chắt chiu được vài trăm triệu đồng, mong có căn nhà để an cư. Nhưng gần chục năm qua, tiền mất, đất không có, phải tốn tiền thuê nhà trọ, vô cùng khổ sở”, ông Tài nói trong nỗi bức xúc.

Tương tự như ông Tài, nhiều khách hàng khác của Công ty Phi Long cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi trót đầu tư mạo hiểm vào dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn của doanh nghiệp này.

Được biết, ngày 30/6/2004, UBND TPHCM đã thu hồi hơn 20ha đất của người dân tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để giao cho Công ty Phi Long triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn.

Nhưng thay vì chú tâm vào việc thực hiện dự án như bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng,… thì doanh nghiệp này lại lách luật huy động vốn trái phép đẩy khách hàng vào cuộc chơi may rủi. Không những thế, từ khi dự án được giao đến nay, doanh nghiệp này đã thay đổi người đại diện pháp luật khoảng trên 20 lần. Chủ đầu tư cũng liên tục đổi tên doanh nghiệp, sáp nhập, chuyển trụ sở và có hàng loạt sai phạm.


Ngôi biệt thự lộng lẫy được xây dựng không phép trong dự án.

Theo ghi nhận của PV, hiện dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, hiện nay hàng loạt văn phòng giao dịch nhà đất ở TP.HCM vẫn đang chào mời, rao bán đất nền của dự án này với giá từ 13-15  triệu đồng/m2.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Sở này có nhận được một số đơn phản ánh của khách hàng và đã cho kiểm tra. Không riêng dự án này, hiện tất cả các dự án mà Công ty Phi Long làm chủ đầu tư tại TP.HCM đều triển khai rất chậm và có nhiều sai phạm như: chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng; không thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã bồi thường thuộc dự án; chậm đầu tư cơ sở hạ tầng...

Nhiều dự án đã có kết luận thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục theo các nội dung kết luận. Vừa qua, Sở này đã đề xuất UBND TP.HCM có chỉ đạo không xem xét, giải quyết gia hạn cho chủ đầu tư - Công ty Phi Long thực hiện dự án, thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất.

Đời Sống Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.


Xem thêm: Nhân viên điện lực bị đánh gãy sống mũi vì đến quán cà phê báo cắt điện

Viết Dũng – Giang Tử
Theo Đời sống Plus/GĐVN //