Đắk Lắk: 'Đột nhập' hiện trường khai thác cây 'quái thú'
Chủ nhân cây đa sộp “khủng” tiết lộ để đào được gốc cây đa này lên, người mua đã phải thuê 4 người đem các máy móc, dụng cụ tiến hành đào xới suốt 4 ngày...
Gốc cây "khủng" được phát hiện vận chuyển trên QL 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 26/3 (ảnh: Văn Dũng)
Liên quan đến việc 4 cây cổ thụ có hình dáng “quái thú” được vận chuyển trên QL 1A, trong đó có 3 cây bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ vì vượt quá chiều dài, chiều cao cho phép, quá tải cầu đường và bị cơ quan chức năng xử phạt trên 81 triệu đồng, bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk thừa nhận 1 trong 3 cây siêu “khủng” này có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk.
Từ nhiều nguồn thông tin cho biết, chủ nhân trước đó của một trong số các cây khủng nói trên là ông Nguyễn Ngọc Chung ở xã Tam Giang (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Ngay sau khi xác nhận được thông tin, chiều ngày 3/4, PV Dân trí liên hệ ông Chung để tìm hiểu quá trình mua bán cũng như hiện trường khai thác cây khủng.
Hiện trường còn sót lại sau khi cây đa sộp có kích thước "khủng" được khai thác
Trao đổi với PV, ông Chung xác nhận, gia đình ông chính là chủ nhân của gốc cây đa sộp có chiều dài 14m, đường kính 1,3m và đã được ông bán vào đầu tháng 3/2018.
Theo ông Chung, cây đa này khoảng trên 40 năm tuổi nằm tại rẫy cà phê của gia đình vốn được chính bố mẹ ông nhượng lại.
“Vào đầu tháng 3, có một người đàn ông tên Chung (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) đã tới hỏi mua cây đa sộp này để đem biếu cho một nhà chùa ở Hà Nội với giá 10 triệu đồng. Do cây đa này chiếm một diện tích rất lớn trong rẫy, cũng không phải cây gỗ quý hiếm gì nên khi họ hỏi mua ban đầu dù tôi e ngại vì kiêng nhưng nghe họ bảo để tặng nhà chùa tôi đã đồng ý” - ông Chung cho biết.
Sau khi ngã giá, theo ông Chung, người mua cùng ông lên xã làm các thủ tục xin phép để khai thác gốc cây này.
Phần cành, rễ và ngọn cây "khủng" được gom lại một đống
Chủ nhân cây đa sộp “khủng” cũng tiết lộ, người mua đã phải thuê 4 người đem các máy móc, dụng cụ tiến hành đào xới suốt 4 ngày mới di chuyển được gốc cây.
Cũng theo ông Chung, vừa qua ông nhận được điện thoại báo rằng vào ngày 26/3 cây đa sộp của ông được vận chuyển đến tỉnh Hà Tĩnh thì bị báo chí phát hiện. Ông cũng khẳng định mọi giấy tờ, việc đi đường là do bên mua làm hết ông hoàn toàn không biết đến.
Tại hiện trường nơi cây “quái thú” đã được khai thác còn sót lại rất nhiều phần rễ, ngọn, các cành nhỏ của gốc cây nằm rải rác khắp rẫy. Phần hố sâu do khai thác cây đa sộp cũng đã được chủ vườn cho đổ đất, san phẳng lại mặt bằng.
Hố sâu nơi khai thác cây "quái thú" đã được chủ vườn lấp đất, san bằng lại
Ông Lê Đức Lộc – Chủ tịch xã Tam Giang, cho biết, ông Chung đã đến UBND xã xin giấy xác nhận khai thác cây đa vào ngày 5/3 vừa qua và đến ngày 21/3 gốc cây này đã được vận chuyển, khai thác ra khỏi rẫy của ông Chung.
Ông Lộc cũng cho rằng, qua nắm bắt ban đầu cây đa sộp này chính là cây đã bị báo chí phát hiện đi qua địa bàn Hà Tĩnh vào tối ngày 26/3 vừa qua.
Một cành cây lớn của cây đa sộp còn sót lại hiện trường
Trao đổi với PV, ông Y Sy H’Đớk – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết: “Cây đa sộp ở Tam Giang (huyện Krông Năng) là cây được làm hồ sơ từ 5/3 đã được chở đi Hà Nội trước đó. Riêng 3 cây bị tạm giữ tại Thừa Thiên Huế ngày 31/3 tức gần 1 tháng sau nên những cây này không thể ở huyện Krông Năng được. Nhiều lúc anh em nắm không kỹ nên nói 1 trong 3 cây này ở Tam Giang là chưa chính xác”.
Ông Y Sy cũng thông tin, hiện đang cho nhân viên xác minh xem 3 cây bị tạm giữ ở Thừa Thiên Huế có phải có nguồn gốc ở huyện Krông Pắk hay không.
Trả lời tại buổi họp báo chiều ngày 3/4 về cây khủng được vận chuyển dọc QL1 những ngày qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, những cây khổng lồ như vậy được vận chuyển hàng trăm kilomet trên QL1 là việc không bình thường.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã yêu cầu Cục Kiểm lâm tiếp tục làm rõ, báo cáo nghiêm túc về Bộ NN&PTNT, nếu ai đó có sai phạm, tiếp tay thì phải xử lý.
Xem thêm: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày