Đã xác định được 'tác giả' của tượng phật trên đỉnh núi gây xôn xao ở Lạng Sơn
Sau khi thẩm tra, xác minh, đơn vị chức năng xác định “tác giả” của bức tượng là ông: Liễu Văn Toàn (SN 1988), trú tại thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì người dân Lạng Sơn xôn xao trước việc một bức tượng cao lớn bỗng nhiên xuất hiện trên đỉnh núi ở vùng biên giới huyện Cao Lộc.
Thông tin này được lan truyền chóng mặt trên facebook, lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của dư luận, phật tử và nhân dân địa phương về bức tượng Phật bỗng nhiên xuất hiện trên đỉnh núi Phja Chang thuộc thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Nhận được thông tin, Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn, chính quyền cùng ngành chức năng huyện Cao Lộc nhanh chóng vào cuộc, xác minh. Sáng 8/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Thế Vinh, Phó giám đốc sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi thẩm tra, xác minh, đơn vị chức năng xác định “tác giả” của bức tượng là ông: Liễu Văn Toàn (SN 1988), trú tại thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc.
Bức tượng Phật được đặt trên núi. Ảnh: Báo Giao thông
Được biết, gia đình ông Liễu Văn Toàn có vườn cây ngay dưới chân núi. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Toàn cho biết: Trong quá trình sinh sống tại địa phương, thấy phong cảnh đẹp cùng với sở thích cá nhân, ông Toàn đã tự ý xây dựng bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, nguyên liệu làm tượng bằng lưới cáo, cát, xi, có kích thước 1,8m (cả đế), rộng 80cm trên núi Phja Chang.
Do hạn chế về mặt nhận thức, ông đã không xin phép chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Đến nay, công trình tượng Phật kể trên đã hoàn thiện được khoảng 70%.
Sau khi kiểm tra hiện trường, Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn và UBND huyện Cao Lộc đã lập biên bản, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu ông Toàn tháo dỡ bức tượng, trả lại nguyên hiện trạng cảnh quan ban đầu. Thời gian thực hiện xong trước ngày 10/4, báo Giao thông cho hay.