Cứu sống thợ may bị điện giật ngưng tim, ngưng thở
Đang may quần áo tại xưởng, nam thanh niên bất ngờ bị điện giật, gục xuống bàn may ngưng tim, ngưng thở. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.
Các bác sĩ dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Dân trí
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị này vừa cứu sống anh Nguyễn Đức T.H. (19 tuổi, ngụ xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị điện giật, ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt.
Theo thông tin ban đầu, trong lúc anh H. đang may quần áo tại xưởng may (ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì bất ngờ bị điện giật, gục xuống bàn may ngưng tim, ngưng thở. Ngay sau đó, anh H. được đưa vào bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) cấp cứu, tại đây anh H. được sơ cứu ép tim và chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng.
Thời điểm được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, tim và mạch của anh H. đã đập lại. Tuy nhiên, anh H. lại rơi vào tình trang hôn mê sâu, có nguy cơ tổn thương não sau ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân rất dễ bị di chứng như sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến khoa Hồi sức chống độc. Trong tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được tiến hành hạ thân nhiệt xuống còn 33 độ C, cho bệnh nhân đi vào trạng thái “ngủ đông” trong vòng 24h liên tục. Sau đó, các bác sĩ sẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,15 độ C mỗi giờ cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Qua 3 ngày kiểm soát nhiệt độ, bệnh nhân dần mở mắt, chớp mắt và cử động được. Sau 6 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức chống độc, bệnh nhân H. đã hồi phục sức khỏe, tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, đi lại được, ăn uống bình thường. Ngày 14/9, bệnh nhân đã được xuất viện.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Ảnh: Dân trí
Trao đổi với Dân trí, Ths.BS Nguyễn Tấn Hùng - Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và là kỹ thuật mới được áp dụng thành công tại bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian gần đây, giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh ngưng tuần hoàn mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc nào.
Được biết, sau thời gian kết thúc cách ly y tế do dịch bệnh Covid-19, hiện Bệnh viện Đà Nẵng đã mở cửa trở lại, từng bước triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh theo từng giai đoạn. Bệnh viện đã tiếp nhận các người bệnh cấp cứu trong cộng đồng và ở các cơ sở khám, chữa bệnh chuyển đến. Kể từ ngày 15/9, bệnh viện sẽ tiến hành tiếp nhận người bệnh đến khám ngoại trú bảo hiểm y tế và không bảo hiểm y tế với đầy đủ các chuyên khoa.