Cựu Đại tá quân đội bất ngờ thừa nhận sản xuất xăng giả
Tại phiên phúc thẩm vụ giả mạo trong công tác, sản xuất, buôn bán hàng giả tại tổng công ty xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc phòng và một số công ty, đơn vị khác, cựu đại tá quân đội bất ngờ nhận tội.
Bị cáo Trần Văn Đồng. Ảnh: Dân Trí
Ngày 21/7, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên phúc thẩm vụ giả mạo trong công tác, sản xuất, buôn bán hàng giả tại tổng công ty xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc phòng và một số công ty, đơn vị khác. Phiên tòa được diễn ra tại trại giam K35 thuộc Quân khu 7 là nơi các bị cáo đang bị tạm giam và do đại tá Thái Đức Thịnh làm chủ tọa.
16 bị cáo trong đó hai người đầu vụ là Trần Văn Đồng (sinh năm 1957, cấp bậc đại tá, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam, tổng công ty xây dựng Lũng Lô), Lê Quang Hiếu Hùng (công nhân viên quốc phòng, chi nhánh đầu tư và xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô).
Tại phiên tòa hôm nay, cựu đại tá Đồng thay đổi kháng cáo từ kêu oan thành nhận tội. "Trong quá trình công tác, bị cáo hoàn toàn tin tưởng cấp dưới của mình. Suy cho cùng trong vụ án này, bị cáo cũng là bị hại. Trong suốt thời gian bị tạm giam vừa qua thì bị cáo cũng nhận ra được hành vi của mình là sai”, bị cáo Đồng khai nhận. Trong phần xét hỏi hôm nay HĐXX và các luật sư tập trung làm rõ đó là dấu hiệu bỏ tội tội phạm trong vụ án. Ngày mai 22/7, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.
Theo cáo trạng, Đồng làm giả bản sao quyết định nâng bậc lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho Hùng. Sau đó, Đồng bổ nhiệm Hùng vào vị trí phụ trách lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, qua đó tạo điều kiện cho bị cáo Hùng móc nối với các bị cáo khác trong vụ án để thực hiện hành vi phạm tội.
Trên cương vị là phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, bị cáo Đồng đã ký hợp đồng và các phụ lục hợp đồng mua bán dung môi Naphtha, Napsol (thực chất là condensata gia công thành dung môi Napsol) với công ty Đông Phương để bị cáo Hùng và đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển, che giấu đầu vào dung môi Naphtha, Napsol cho công ty vận chuyển Vạn Xuân.
Từ đó, bị cáo Hùng, bị cáo Nguyễn Văn Phương (lãnh đạo công ty Thái Sơn) cùng đồng phạm tổ chức pha trộn với hóa chất BM-MT200, NMA làm giả 21,3 triệu lít xăng ron92 tương đương 322 tỷ đồng. Bị cáo Đồng hưởng lợi 13 tỷ đồng, trong đó, bị cáo Đồng sử dụng 930 triệu đồng mua xe ô tô. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng xác định bị cáo Đồng phải chịu trách nhiệm chính về tội giả mạo trong công tác và đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hùng trong tội sản xuất buôn bán hàng giả.
Hùng và đồng phạm đã ký hợp đồng mua bán Naphtha, Condensate với công ty Đông Phương, công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Miền Nam nhằm hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển, che giấu nguồn đầu vào để công ty Vạn Xuân sử dụng 52,6 triệu lít dung môi pha trộn với các chất khác tạo ra 54 triệu lít xăng giả (tương đương 850 tỷ đồng) nhập vào kho VK102/Cục hậu cần/Quân khu 7 và vào kho VK02 Thanh Lễ.
Toàn bộ số xăng trên đã được công ty Vạn Xuân bán hết ra thị trường thu lợi 141 tỉ đồng... Khi khởi tố vụ án, khởi tố Hùng đã bỏ trốn đi nước ngoài bị truy nã quốc tế. Sau đó Hùng bị bắt và bị dẫn độ về Việt Nam.
Trước đó tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Đồng chín năm tù về hai tội giả mạo trong công tác và sản xuất, buôn bán hàng giả. Bị cáo Hùng 12 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Sau đó, Đồng kháng cáo kêu oan về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Còn Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.