Cuộc chiến bảo vệ biên giới: Vì sao Việt Nam không tổng phản công?

14-02-2019 21:18:15

“Xem xét một cách khách quan, cuộc tấn công biên giới phía Bắc nước ta mà nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động năm 1979 không khác gì những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mà Việt Nam từng phải chống trả để gìn giữ độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong suốt lịch sử hàng nghìn năm”.


Năm 1979, quân xâm lược Trung Quốc đã tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.(Ảnh: Trần Mạnh Thường).

Cuộc xâm lược với quy mô lớn chưa từng có

Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, khi nhìn về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước, GS Vũ Minh Giang cho biết: Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc còn vượt xa các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây về quy mô quân số và phạm vi chiến trường trong cùng một thời điểm.

Việt Nam chưa từng phải chống đỡ với một đạo quân lên tới 60 vạn người tấn công trên toàn tuyến biên giới trải dài gần 1.300 km. Với ưu thế áp đảo về hỏa lực và binh lực, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào 26 điểm và chiếm giữ một số thị xã (Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) và nhiều thị trấn, huyện lỵ.

Cũng chẳng khác các đạo quân xâm lược trước đây, để lấy cớ tấn công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc cũng “kể tội” Việt Nam có âm mưu bành trướng, thậm chí đã “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” nên cuộc tấn công là “phản kích tự vệ”, là “dạy cho Việt Nam một bài học”...

Trung Quốc cũng đã chọn thời điểm Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn của thời hậu chiến (mà nhiều trong số đó là do chính Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp gây ra như giúp Khmer Đỏ gây chiến tranh biên giới phía Tây – Nam, kích động Hoa kiều tạo nên cuộc khủng hoảng “nạn kiều”, cắt đứt viện trợ, tuyên truyền nói xấu Việt Nam trên trường quốc tế…).


Bộ đội trên đường hành quân ra trận. (Ảnh: Trần Mạnh Thường).

Tuy nhiên, sau chưa đầy ba tuần lễ, quân Trung Quốc đã chịu những tổn thất hết sức nặng nề và nhất là vào ngày 5.3.1979, khi Việt Nam ban bố lệnh tổng động viên, Trung Quốc vội vàng tuyên bố rút quân. Để thể hiện thiện chí, và cũng là nối tiếp truyền thống "lấy chí nhân thay cường bạo" của những thế hệ trước, Việt Nam đã dừng thực hiện kế hoạch tổng phản công quy mô lớn nhằm truy quét quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.

Sự tương đồng của quân Trung Quốc trong cuộc chiến 1979 với các đạo quân xâm lược trước đây còn ở tính chất tàn bạo. Tại những con đường hành quân qua và ở những điểm tạm thời chiếm đóng, quân Trung Quốc đã gây ra những cuộc tàn sát dã man. Không kể những tổn thất do bom đạn chiến tranh, nhiều dân thường (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) đã bị thảm sát từ khi quân Trung Quốc đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam đến khi rút chạy.


Quyết tâm giữ từng tấc đất, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. (Ảnh: T.L)

Nhìn nhận cuộc chiến 1979 một cách khoa học

Dù thời gian cuộc chiến 1979 chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử. Nó nhắc nhở Việt Nam bài học cảnh giác.

Cuộc tấn công bất ngờ trên quy mô lớn của một “người bạn lớn” đã giúp Việt Nam hiểu rằng não trạng của những người lãnh đạo Bắc Kinh thời điểm đó cũng chưa khác bao nhiêu so với các triều đại phương Bắc trước đây. Và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta cũng đã đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách, làm dày thêm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.


Đầu năm 2016, ông Trương Tấn Sang - lúc đó là Chủ tịch nước - trong chuyến thăm và làm việc tại Cao Bằng đã đến thắp hương các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại nghĩa trang Trà Lĩnh. (Ảnh:TTXVN).

Trong gần nửa thế kỷ qua cả Trung Quốc và Việt Nam dường như không muốn nhắc đến cuộc chiến này. Về phía Trung Quốc, đây là điều dễ hiểu. Xét về mặt quân sự, đây là một thất bại nặng nề đối với quân đội Trung Quốc.

Trên phương diện ngoại giao, duy nhất chỉ có chính quyền của Polpot lúc đó ủng hộ, còn lại phần lớn các nước trên thế giới phản đối hoặc biểu thị thái độ không đồng tình, yêu cầu ngưng cuộc chiến… Đấy là chưa kể cuộc chiến này còn gây chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo và quân đội Trung Quốc. Họ không muốn nhắc lại lịch sử khi có quá nhiều điều bất lợi. 

Về phía Việt Nam, việc hạn chế phần nào nhắc đến cuộc chiến này (trong các bộ sử, sách giáo khoa và những ngày kỷ niệm…) có thể hiểu là Việt Nam tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, bởi các vấn đề lịch sử đôi khi cũng tạo ra mâu thuẫn với những nước đã từng có xung đột trong quá khứ. Cũng có thể hiểu đây là việc thể hiện thiện chí sau khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991.


GS -TSKH Vũ Minh Giang. (Ảnh: Lương Kết).

Tuy nhiên, 40 năm cũng là một thời gian đủ dài để cả Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại.

Trước hết, như đã nói ở trên, cho dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc năm 1979 gây cho Việt Nam những tổn thất nặng nề rõ ràng mang tính chất của một cuộc chiến tranh xâm lược và vì vậy cuộc chiến của quân và dân Việt Nam chống lại cuộc tiến công đó là một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Với ý nghĩa đó, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng cần có vị trí xứng đáng trong các bộ sách lịch sử của dân tộc, các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác. 

Điều mà giới học giả cũng như những người có trách nhiệm chính trị đang tìm lời giải là làm thế nào để xử lý thỏa đáng vấn đề lịch sử hết sức nhạy cảm này.

Phương châm “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” từng được hiểu là vì tương lai mà đóng lại, không nhắc đến những trang sử về cuộc chiến 1979 nữa. Theo tôi nếu hiểu như vậy là không khoa học và chưa thỏa đáng.

Việc “khép lại quá khứ” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó.

Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 cách tốt nhất để đẩy lui những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Lương Kết (ghi)
Dân Việt //