Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: “Người thân tôi cũng bị lừa bởi quảng cáo thực phẩm chức năng”

23-09-2019 07:09:52

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người dân không nên mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật.


Khi thấy quảng cáo TPCN có thể trị dứt điểm bệnh, người dân không mua, không tin, không sử dụng.

Tin quảng cáo "nổ" công dụng, người bệnh bỏ qua giai đoạn "vàng" điều trị

Cơ quan quản lý đang áp dụng những cách nào để quản lý tận gốc các vấn đề về TPCN hiện nay thưa ông? Quản lý chặt nhưng tại sao vấn nạn thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc đặc trị vẫn ngập tràn trên mạng?

- Trước hết, đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Việc lừa dối quảng cáo TPCN thay thuốc chữa bệnh, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo TPCN có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng TPCN không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Đối với các báo chính thống, việc thực hiện quảng cáo TPCN là rất nghiêm túc. Vì theo quy định của pháp luật, người có sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.

Tuy nhiên, hiện nay một số trang mạng xã hội, Website về quản lý còn rất khó khăn, không phụ thuộc vào riêng Bộ Y tế. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này.

Như ông chia sẻ, nhiều người "được vạ thì má đã sưng", bỏ qua giai đoạn "vàng" trong điều trị vì tin theo quảng cáo. Ông đánh giá về các quy định xử lý hành vi quảng cáo "nổ" về công dụng sản phẩm hiện nay ra sao? Có nên xử lý vi phạm thật nghiêm?

- Tôi rất chia sẻ và thông cảm với bức xúc của bạn, thậm chí ngay chính người thân của tôi ở quê cũng đã từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây.

Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Y tế hiện cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để dần quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường TPCN phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tránh xa thực phẩm chức năng quảng cáo trị dứt điểm bệnh


PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Nhận diện TPCN "lởm" cần theo cách nào để người dân dễ hiểu? Người tiêu dùng nên làm gì để tránh mua phải "hàng lởm" thưa ông?

TPCN là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người, có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật và các hoạt chất sinh học khác có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Thực phẩm chức năng bắt đầu phát triển ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỉ trước. Sau đó phát triển sang những nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada…

Ở nước ta, thị trường TPCN bắt đầu từ khoảng năm 2000, lúc đầu chủ yếu là một số sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta có lợi thế rất lớn, đó là kinh nghiệm sử dụng thuốc Đông y, sử dụng dược liệu để hỗ trợ điều trị hoặc nâng cao sức đề kháng. Chúng ta có nguồn dược liệu phong phù làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ông cha ta có rất nhiều kinh nghiệm dùng các cây, con để nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị bệnh.

Ngày nay, cùng với nền y học cổ truyền và y học hiện đại, nhiều kỹ thuật tách chiết, chưng cất để lấy những tinh chất của nguyên liệu đã được áp dụng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư những nhà máy hiện đại để cho ra đời những sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng cao, công dụng tốt, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm sản xuất trong nước xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, TPCN là sản phẩm mới không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Là sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng kí với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dụng TPCN.

Tôi nhấn mạnh, TPCN là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh; hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh hay thậm chí quảng cáo chữa dứt điểm bệnh; không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo... Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên, người dân không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy bởi đây là những quảng cáo sai sự thật.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Hòa Xuân (thực hiện)
Theo Gia đình&Xã hội //