Cửa khẩu ‘nóng’ trong những ngày rét
Tình hình giao thương tại cửa khẩu các tỉnh phía Bắc đang “nóng” lên từng ngày, vì Tết cũng sắp đến. Tại Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng… trời giá rét nhưng các hoạt động giao thương rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, đây cũng là lúc buôn lậu, gian lận thương mại nhiều hơn, buộc lực lượng chức năng phải triển khai nhiều biện pháp k
Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).
Những ngày này, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tình hình vận chuyển hàng hoá nhập lậu, nhất là mặt hàng thực phẩm đang có diễn biến phức tạp. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, bước đầu là thuê bà con cư dân biên giới vận chuyển hàng qua các đường mòn, nếu trót lọt, sẽ tập kết tại địa bàn các xã biên giới, sau đó dùng xe máy hoặc ô tô 7 chỗ vận chuyển vào khu vực thành phố Lạng Sơn, rồi từ đây sẽ xé lẻ, tìm cách găm hàng vào ôtô chở khách, ôtô du lịch, ôtô chở hàng vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.
Ma trận hàng nhập lậu
Theo Thiếu tá Đào Công Ngọc - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh, nhiều ngày nay trên tuyến biên giới thuộc địa bàn các xã: Tân Mỹ, Tân Thanh (huyện Văn Lãng), một số đối tượng buôn lậu đã và đang tìm cách vận chuyển các loại hàng lậu vào nội địa, trong đó có thực phẩm các loại như: Hạt tẩm ướp gia vị, bánh kẹo…
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng của đồn đã kịp thời ngăn chặn 3 vụ vận chuyển hạt gia vị. Các tổ tuần tra, các chốt chặn tại các đường mòn thuộc địa bàn đơn vị quản lý đã ngăn chặn nhiều đối tượng vận chuyển hàng thực phẩm lậu trái phép qua biên giới.
Riêng từ đầu tháng 11/2020 đến nay, lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã ngăn chặn, bắt giữ 18 vụ mang vác, vận chuyển thực phẩm nhập lậu (chủ yếu là sản phẩm nội tạng động vật, gia cầm, các loại bánh kẹo, gia vị tẩm ướp…). Qua đó thu giữ hơn 3 tấn sản phẩm nội tạng động vật, gần 100 kg chân gà đông lạnh và hơn 10 nghìn sản phẩm thực phẩm khác.
Tương tự, đại diện đồn Biên phòng Ngọc Côn thuộc huyện Trùng Khánh (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) thông tin: Từ đầu năm đến nay đã phát hiện, bắt giữ được hơn 40 vụ vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Riêng tháng 11 vừa qua, đơn vị đã phát hiện 7 vụ buôn lậu với tang vật thu giữ gần 6 tấn nguyên liệu thuốc lá, 6 tạ chân gà đông lạnh và một số tang vật khác. Gần đây, tình trạng vận chuyển lậu thuốc lá nguyên liệu từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng phức tạp.
Trung tá Lý Văn Tương - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Côn nhận định: Các đối tượng cho thuốc lá nguyên liệu vào túi nilon rồi thả trôi sông sang Việt Nam. Hoặc đem hàng lên núi cao, lợi dụng lực lượng chức năng sơ hở hay đêm tối rồi thả xuống. Các đối tượng đầu nậu thường không xuất hiện mà chỉ thuê người dân biên giới, khi bị phát hiện thì bỏ hàng chạy.
Tại tỉnh Lào Cai, kết quả trong năm 2020, đơn vị đã kiểm tra 1.320 lượt/vụ, xử lý vi phạm 474 vụ với giá trị xử lý gần 5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy gần 2 tỷ đồng, chủ yếu là thực phẩm, quần áo, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, thực phẩm chức năng, khẩu trang và dụng cụ y tế...
Đặc biệt, trong số các vụ vi phạm, đơn vị đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng, xem xét khởi tố hình sự vụ việc phát hiện 160.897 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc (giá trị tang vật gần 7 tỷ đồng) khi tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 145 đường Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra 563 lượt/vụ, xử lý vi phạm 23 lượt/vụ với số tiền trên 128 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, ngày 17 và 18/12 vừa qua, lực lượng C03 chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với quy mô cực lớn tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà.
Cơ quan điều tra đã phát hiện hơn 30 đối tượng và thu giữ hơn 300 tấn hàng hóa. Khám xét đồng loạt các kho chứa hàng tại Hưng Yên, Hà Nội… của các đối tượng, thu giữ thêm hơn 200 tấn hàng hóa, 20 xe container và xe tải các loại.
Với Móng Cái vốn là địa bàn nóng dịp cuối năm về buôn lậu. Các đối tượng thường lợi dụng sông suối, đường mòn lối mở để thẩm lậu hàng hóa qua biên giới. Lợi dụng yếu tố thị trường vào dịp cuối năm nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm... tăng mạnh, nhiều chủ hàng sẵn sàng nhập những loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để vận chuyển vào nội địa.
Kiểm soát chặt tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu
Với nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, hoạt động nhập lậu các loại thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm tra, kiểm soát tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông nhằm ngăn chặn không để thực phẩm lậu thẩm lậu vào nội địa.
Ông Đặng Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng triển khai quyết liệt các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập lậu.
Theo đó, lực lượng biên phòng, hải quan sẽ tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường mòn trọng yếu. Bên cạnh đó, lực lượng trong khu vực nội địa như: Công an, Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhằm phát hiện và xử lý những cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
“Các lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp chống buôn lậu nói chung và ngăn chặn thực phẩm nhập lậu nói riêng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hành vi này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, đồng thời người tiêu dùng cần nói không với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác”, ông Đặng Văn Ngọc lưu ý.
Ông Nông Minh Huấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho hay: Cục Quản lý thị trường Cao Bằng đã có kế hoạch kiểm tra, trong đó trọng tâm là tăng cường kiểm tra kiểm soát các thị trường nội địa, chú trọng việc quản lý lưu thông, vận chuyển các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận đối với mặt hàng do Bộ Công thương quản lý.