Covid-19 có thể sẽ không còn là đại dịch
Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Đồng thời, virus cũng sẽ có nhiều biến thể mới. Vì vậy, điều cần thiết là tiêm chủng và tăng cường hệ miễn dịch.
Người dân được khuyến cáo tiêm mũi vắc-xin tăng cường. Ảnh minh họa
Dịch bệnh được kiểm soát
Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện của Thủ tướng về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Công điện nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định, đến hiện tại, tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng tăng.
Nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng... Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vắc-xin, song tại một số nơi, việc tiêm chủng chưa bảo đảm yêu cầu.
Tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.
Chia sẻ về tình hình đại dịch, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) - cho biết, thế giới đã sống với Covid-19 hơn 2 năm. Mặc dù, virus vẫn thay đổi và có nhiều biến thể mới, nhưng có một số tín hiệu khả quan.
“Tại Mỹ, Covid-19 có giai đoạn đi lên và xuống. Vào tháng 1, Mỹ ghi nhận gần 1 triệu ca Covid-19 mỗi ngày. Hiện tại, số ca ổn định dưới 100 nghìn ca mỗi ngày. Theo các chuyên gia, có vẻ như số ca mắc Covid-19 sẽ duy trì ở mức ổn định”, PGS Huỳnh cho biết.
Theo chuyên gia, đại dịch được cho là đi đến hồi kết khi số ca mắc không tăng quá nhiều và không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. PGS Huỳnh nhận định, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài nữa.
Đồng thời, virus cũng sẽ có nhiều biến thể cũng như biến chuyển mới. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chúng ta sẽ có vắc-xin chống lại những biến thể mới của SARS-CoV-2.
Tiêm vắc-xin vẫn là điều cần thiết
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng Covid-19, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em 5 - 11 tuổi trong tháng 8 - 9. Đồng thời, tiêm nhắc cho nhóm 12 - 17 tuổi hoàn thành trong quý III ngay khi trẻ quay lại trường học. Tổ chức tiêm nhắc cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, cán bộ tuyến đầu, lực lượng công an, bộ đội, giáo viên, cung cấp dịch vụ cơ bản... Tăng cường rà soát, quản lý nhóm, tăng độ bao phủ mũi 3 đạt trên 90%. |
PGS Huỳnh dẫn chứng, Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - cho biết, vài tháng nữa, Mỹ sẽ bước vào tình trạng kết thúc đại dịch, nhưng bệnh vẫn tồn tại. Trong khi đó, Thái Lan công bố, từ tháng 10, Covid-19 sẽ không còn là đại dịch nguy hiểm. Thay vào đó, Covid-19 sẽ là căn bệnh sống chung với con người.
“Tới nay, phần lớn dân số Mỹ đã có miễn dịch với Covid-19. Tại Việt Nam, số người tiêm vắc-xin cũng tăng trên 80%. Chúng ta đang đi tới giai đoạn, ở khắp nơi đều có kháng thể chống lại virus”, PGS Huỳnh chia sẻ.
Khi Covid-19 có thể là căn bệnh con người cần chung sống, PGS Huỳnh cho rằng, sẽ có một số thay đổi. Một trong số đó là khi vào bệnh viện, nếu không có triệu chứng, bệnh nhân có thể sẽ không phải xét nghiệm Covid-19. Đây có thể là điểm khác biệt lớn.
Ông cũng dẫn chứng, những hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, mọi người không còn cần giữ khoảng cách nhiều như trước. Trong khi đó, các hạn chế về giao tiếp cũng được bỏ bớt, cuộc sống của người dân gần như bình thường trở lại.
“Covid-19 không còn quá đáng sợ như cách đây 2 năm. Các nghiên cứu và theo dõi của tôi cho thấy, SARS-CoV-2 là một trong những loại virus thay đổi rất nhiều. Nó vẫn có thể sẽ có những thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại dịch có thể đang kết thúc.
Omicron có thể là bắt đầu cho sự kết thúc. Tuy nhiên, người dân cần chích ngừa mũi tăng cường theo khuyến cáo. Hiện, Moderna và Pfizer bắt đầu có vắc-xin để ngừa loại biến thể mới. Chúng ta đang đi đúng hướng, theo hướng đại dịch không còn là điều quá sợ hãi”, PGS Huỳnh nhận định.
Theo PGS.TS Trần Huỳnh, trong tương lai gần, người dân sẽ phải đối phó với cúm mùa, Covid-19. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ không gây bệnh nặng như trước. Ngoài ra, khả năng điều trị Covid-19 cũng tốt hơn khi đại dịch mới bùng phát.
“Người chưa tiêm vắc-xin cần chủng ngừa. Người đã tiêm vắc-xin Covid-19 cần tăng cường tập thể dục để hệ miễn dịch tốt hơn. Cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch là tập thể dục, ngủ đủ giấc và có chế độ dinh dưỡng hợp lý”, chuyên gia khuyến cáo.