Công bố danh tính bệnh nhân nhiễm Covid-19 có vi phạm pháp luật không?
Việc thông tin, hình ảnh của chị N.H.N là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 xuất hiện tràn lan trên mạng và bị chỉ trích thậm tệ khiến nhiều người đặt câu hỏi việc công bố thông tin bệnh nhân liệu có vi phạm pháp luật.
Hình ảnh nữ bệnh nhân nhiễm Covid thứ 17- Ảnh: Zing.vn
Sau khi ghi nhận ca bệnh nhiễm Covid-19 thứ 17 là chị N.H.N (26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Hà Nội), cơ quan chức năng đã công bố thông tin của bệnh nhân này. Đáng chú ý, chị N. được biết đã khai báo y tế gian dối khiến cho tình hình dịch bệnh ở Việt Nam trở nên phức tạp. Ngay sau đó, danh tính, hình ảnh của bệnh nhân ngập tràn trên mạng xã hội với những chỉ trích vô cùng gay gắt. Ngoài ra, thông tin của các hành khách cùng chuyến bay cũng bị dân mạng chia sẻ và truy tìm.
Theo đó, cô gái này đi thăm người thân ở Anh từ ngày 16/2 rồi từ Anh sang vùng dịch ở Ý ngày 18/2 để du lịch. Sau đó cô về lại Anh và ngày 2/3 trở về Việt Nam trên chuyến bay VN0054. Sau khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, N. đã tới Bệnh viện Hồng Ngọc thăm khám vào ngày 5/3 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy không phải là ca "siêu lây nhiễm" nhưng điều đáng nói là dù có biểu hiện bệnh từ bên nước ngoài nhưng bệnh nhân này đã cố tình khai báo gian dối để lọt qua vòng kiểm soát y tế khi nhập cảnh tại sân bay.
Sau khi xảy ra sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi việc công bố thông tin bệnh nhân có vi phạm pháp luật. Trao đổi trên Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết: “Cần phải công bố thông tin những người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm cao. Theo nguyên tắc thì với bệnh truyền nhiễm, công tác phòng dịch được đề cao hơn chống dịch".
Ông cho rằng việc công khai này là hoàn toàn cần thiết và không vi phạm pháp luật bởi người dân cần biết danh tính, nơi thường trú và lịch trình di chuyển của những người này để có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình một cách kịp thời.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong khoản 5, điều 8 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực có thể xâm hại nhân phẩm của người mắc bệnh truyền nhiễm. Cá nhân nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra còn phải gỡ bỏ thông tin, bồi thường về vật chất và tinh thần cho người bị hại.
Theo luật sư, người dùng mạng xã hội lợi dụng thông tin, hình ảnh của bệnh nhân hay người đang cách ly để công kích, xúc phạm, đe doạ và làm nạn nhân lo sợ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc đối mặt với án phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự. Còn trong trường hợp sự lăng mạ, đe doạ không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.
Tính đến nay 10/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 là 32, trong đó 16 người đã được điều trị khỏi hoàn toàn, 16 người còn lại đang được cách ly và điều trị. Trong 16 người nhiễm mới này thì có đến 11 người đã đi cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17. Ba ca lây trực tiếp từ bệnh nhân thứ 17 và một ca người Việt về từ Hàn Quốc.