'Cơn bão' gian lận điểm: Làm gì để lấy lại niềm tin sau 'cú sốc đầu đời'?
Mấy ngày qua, bão số 3 hoành hành khiến một loạt tỉnh thành miền Trung chịu thiệt hại. Bên cạnh đó, một cơn báo khác có sức mạnh không kém chính là bão dư luận kèm theo sự bức xúc, phẫn nộ của người dân cả nước về những gian lận sửa điểm thi.
Danh sách điểm thi trước và sau khi chấm thẩm định của 10 thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển A1 cao bất thường. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta là lịch sử của dựng nước và giữ nước, vừa chống thiên tai, vừa ngăn địch họa.
Cứ mỗi lần trải qua một biến cố, lịch sử lại thêm một lần khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam là một, khối đại đoàn kết toàn dân ta như thành đồng bất khuất chiến thắng mọi kẻ thù.
Bài học Sơn Tinh - Thủy Tinh tiếp tục cho chúng ta thấy, thiên tai luôn luôn phải cúi đầu trước lòng người đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách, nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời qua của dân tộc ta.
Chống thiên tai, ngăn địch họa thì dễ nhưng chống lại cơn “bão” trong lòng người thì chống sao đây?
Hà Giang mấy hôm nay trời mưa tầm tã, như nốt trầm gieo vào lòng người Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung một nỗi buồn khôn tả xiết.
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ở đất Hà Giang những ngày này, người buồn và cảnh cũng buồn. Nét buồn sổ dọc theo từng ngọn núi, chảy xuôi theo từng con suối, ám màu xám xịt lên những cánh lá rơi, thâm như màu đất.
Họp báo công bố sai phạm trong thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang. Ảnh: Vietnamnet
Bước chân vào cổng trường đại học là ước mơ, tuy xa vời, của rất nhiều các em học sinh miền ngược. Đến trường, các em được dạy rằng, trái tim phải ngay thẳng, trí óc phải vươn lên vững vàng như đôi chân đang bước trên rẻo cao của những ngọn đồi vút cao, lộng gió.
Niềm tin chiến thắng của các em dựa trên sự trung thực, bằng trí tuệ và tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt mà hiên ngang bước tới.
Ấy vậy mà trớ trêu thay, một số người đang làm việc trong ngành giáo dục Hà Giang đã làm những điều ngược lại tôn chỉ, mục đích của ngành khiến cả nước bàng hoàng, lòng người dậy sóng.
Đành rằng, sai phạm sẽ có pháp luật trừng trị, nhưng hệ quả để lại lâu hơn, sâu hơn, đau xót hơn sẽ còn mãi. Ít nhiều nó cũng góp phần “giết” chết niềm tin của những người con Hà Giang nói riêng, cả xã hội nói chung, vào một nền giáo dục công bằng.
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có những cải cách vượt bậc nhằm tạo ra một nền giáo dục đổi mới, hiện đại, theo kịp các nước tiên tiến khác, thì đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Dư luận hoang mang, còn các em học sinh được nâng điểm, suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân, hẳn sẽ ít nhiều mất niềm tin vào người lớn.
Điều đáng buồn là chính cha mẹ, người thân các em lại là người tiếp tay để làm sụp đổ tâm hồn mới lớn của các em. Với những đứa trẻ sinh ra đã “ngậm chiếc thìa vàng”, bản thân được ăn học hơn người, có thể chính các em không hề là những đứa trẻ kém cỏi.
Thế nhưng, chính gia đình, người thân đã tạo ra suy nghĩ “ỷ lại” ở các em, khiến các em yên tâm rằng, sao phải vất vả “đêm hôm đèn sách” khi mọi việc đã có “bố mẹ lo” kiểu gì cũng đỗ đại học, học xong kiểu gì cũng được sắp xếp việc làm tốt.
Một tương lai xán lạn đang chờ trước mắt bỗng chốc sụp đổ khi mọi gian dối được vạch trần, sự thật phũ phàng hiện ra. Bản thân các em còn quá non nớt để đối diện với dư luận.
Còn những cô cậu học trò nghèo, kém may mắn khác ở vùng cao nguyên đá nói riêng hay bất cứ vùng quê nghèo nào trên khắp đất nước chúng ta, các em liệu có hoang mang, mất lòng tin vào học hành, thi cử, vào thầy cô, bạn bè, vào sự công bằng trong xã hội.
Tuổi 17-18 phơi phới ước mơ cống hiến cho quê hương đất nước, giúp đỡ gia đình, khẳng định bản thân. Bên cạnh bộn bề thiếu thốn khác, hàng ngày các em vẫn nhọc nhằn đi tìm con chữ, với mong mỏi thoát nghèo từ sự học.
Trong những tâm hồn trong trẻo, thơ ngây ấy, cuộc sống dù khó khăn vẫn có những mảng màu tươi sáng. Nhưng sau sự việc này, liệu các em có còn dám tin vào người lớn, tin vào tương lai, còn dám cháy hết mình cho những ước vọng bay cao, bay xa nữa hay không?
Các em còn giữ được hy vọng vào bầu trời rộng lớn ngoài kia còn chỗ cho những người thiếu may mắn, không ai nâng đỡ như mình hay không?
Có quá nhiều những giá trị vô hình đổ vỡ, không tài nào đong đếm được sau khi sự thật trần trụi được tìm ra.
Để không lặp lại những vụ việc chấn động, đáng lên án như ở Hà Giang, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nguyên nhân để xảy ra những gian lận là do tính kỷ luật, sự phối hợp của một bộ phận cán bộ làm việc trực tiếp trong khâu tổ chức thi chưa tốt, bên cạnh đó là sự nghiêm minh, chặt chẽ trong quy chế thi hiện nay chưa cao.
Điều đó đòi hỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gấp rút có những thay đổi, sửa chữa, bổ sung phù hợp để hoàn thiện hơn quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia những năm tiếp theo, để tránh xảy ra một “Hà Giang” thứ hai.
Bên cạnh đó, cần phải nghiêm trị những kẻ có hành động coi thường pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Có như vậy, ngành giáo dục nước nhà mới sớm lấy lại được niềm tin từ xã hội, xã hội mới tiếp tục hy vọng sẽ có lớp lớp những người trẻ được đào tạo bài bản, có chuyên môn, trình độ, văn hóa và trách nhiệm cao đối với quốc gia, dân tộc.
Xem thêm Clip: Người 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang vẫn đi làm bình thường