Có gì bên trong tàu ngầm lớn nhất Mỹ cử đến Thái Bình Dương sau 30 năm?
Mỹ đã cử chiếc tàu ngầm chiến lược lớp Ohio USS Pennsylvania (SSBN 735) tới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau gần 30 năm.
Báo VnExpress dẫn nguồn từ CNN cho hay, chiếc tàu ngầm chiến lược lớp Ohio USS Pennsylvania (SSBN 735) của Mỹ đang ghé thăm cảng ở đảo Guam tại Thái Bình Dương sau gần 30 năm không hiện diện tại đây.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, hai phái đoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc có mặt ở Guam cùng thời điểm đó sẽ thực hiện các chuyến thăm hiếm hoi lên tàu ngầm này.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và Trung Quốc đang căng thẳng do những chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và những động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Chuyến thăm đặc biệt tới đảo Guam phản ánh những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và châu Á Thái Bình Dương, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận, huấn luyện, các chiến dịch và những hoạt động hợp tác quân sự khác được tiến hành giữa Mỹ và các quốc gia đối tác".
Mỹ điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớn nhất đến Thái Bình Dương
USS Pennsylvania bắt đầu phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 1989, nó là một trong những tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Ohio có khả năng mang, phóng ngư lôi hạng nặng cũng như tên lửa đạn đạo hạt nhân siêu sức mạnh.
Điểm nhấn công nghệ của tàu ngầm USS Pennsylvania chính là hệ thống động lực, vũ khí và hệ thống tạo oxy bằng nước biển. Hệ thống lọc oxy từ biển cung cấp dưỡng khí cho toàn bộ tàu ngầm USS Pennsylvania.
Tàu ngầm USS Pennsylvania có thể hoạt động liên tục trong 3 tháng mà không cần tiếp tế, khả năng tối ưu có thể đến 6 tháng.
Mọi mệnh lệnh tấn công hạt nhân được thực hiện trên chiến hạm này đều do Tổng thống Mỹ trực tiếp chỉ thị, báo Giáo dục Việt Nam cho hay.