Cô gái trẻ mất thị lực 2 mắt, hoại tử mũi sau khi tiêm filler giá rẻ

01-10-2020 14:45:44

Được bạn bè giới thiệu, cô gái trẻ quyết định tiêm filler mũi giá rẻ tại một spa. Tuy nhiên, sau tiêm cô gái mất thị lực toàn bộ 2 mắt, phần trán và mũi bị hoại tử.

Bệnh nhân bị mất thị lực và hiếu máu cấp tính da trán, mũi, ổ mắt sau khi tiêm filler giá rẻ. Ảnh: VTV News

Ngày 1/10, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho VNExpress biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị biến chứng nặng do tiêm filler, mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán, mũi, ổ mắt.

Theo đó, bệnh nhân là chị P. (27 tuổi, quê Bắc Giang), đang là nhân viên văn phòng tại Thái Nguyên. Chị P. chia sẻ, thông qua bạn bè, cô biết một spa nhỏ gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đang giảm giá dịch vụ tiêm filler (chất làm đầy) mũi, chỉ mất 1 triệu đồng. Đã có 2 người bạn của Phương đi tiêm và thành công, vì vậy chị P. đã cùng bạn tới tiêm filler tại spa đó.

"Tôi biết tiêm chất làm đầy chỉ được tiêm ở bệnh viện nhưng vì chủ quan, ham rẻ nên vẫn đi. Spa quảng cáo giá bình thường là 2-3 triệu cho một lần tiêm mũi, nhưng khi giảm giá chỉ còn 1 triệu đồng", chị P. cho biết.

Tuy nhiên, ngay khi chiếc kim chọc vào mũi, chị P. cảm thấy cảm thấy đau buốt tận trong óc, choáng váng, mắt tối sầm. Nhân viên spa trấn an nhưng không dừng thủ thuật. Nước mắt cứ chảy mãi khiến Phương phải lấy tay dụi, rồi phát hiện không nhìn thấy gì. Chị yêu cầu đi bệnh viện, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên sau đó chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong đêm.. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn và hoảng loạn, da vùng trán và mũi bắt đầu tím sẫm, lạnh hơn các vùng khác trên mặt. Mắt phải sụp mi, rối loạn vận động các cơ nhãn cầu. Thị lực không còn cảm nhận được ánh sáng. Bệnh nhân được chẩn đoán: Tai biến do tiêm filler mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán mũi và ổ mắt.

Nhận định tình trạng của bệnh nhân nặng, phải cấp cứu tối khẩn cấp, bệnh viện đã huy động tất cả bác sĩ chuyên khoa có liên quan tại viện, đồng thời mời chuyên gia từ Bệnh viện Mắt Trung ương tới.  Sau khi nhận được thông tin, Bệnh viện Mắt Trung ương đã cử 1 kíp bác sĩ đến phối hợp khám mắt và tiêm thuốc giải hậu nhãn cầu. ​Ngay lập tức, các bác sĩ khởi động quy trình cấp cứu tối khẩn cấp. 

Bệnh nhân được hồi sức tích cực: thuốc chống viêm giảm đau liều cao, các loại thuốc giảm áp lực cho não và ổ mắt, oxy liều cao liên tục. Bác sĩ chuẩn bị thuốc giải và tiêm trực tiếp ngay vào vùng tiêm filler và vùng da sắp hoại tử. Song song đó, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy móc can thiệp mạch.

TS Lê Thanh Dũng - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, động mạch mắt là nhánh nhỏ của động mạch cảnh trong. Để đưa được thuốc ly giải filler trực tiếp vào nhánh động mạch mắt c,ần có trang thiết bị là máy chụp mạch số hóa xóa nền, các hệ thống dây dẫn và ống thông nhỏ. 

Các bác sĩ điện quang can thiệp vào nhánh động mạch mắt, chụp kiểm tra thấy tắc hoàn toàn động mạch trung tâm võng mạc, thuốc ly giải được tiêm với tốc độ chậm. Sau hơn 2 tiếng nỗ lực can thiệp tích cực, thị lực của bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi một cách rõ rệt. Từ chỗ chỉ thấy toàn màu đen kịt, bệnh nhân đã có thể nhìn thấy và phân biệt được các bác sĩ chữa bệnh cho mình và đếm ngón tay ở khoảng cách 60 đến 70 cm.

Tuy nhiên, 12 giờ sau bệnh nhân lại rơi vào tình trạng mất thị lực toàn bộ. Cả ê kíp của bệnh viện lại phải khẩn trương can thiệp lần thứ hai. Lần này, các bác sĩ đã phải sử dụng cả thuốc giải filler phối hợp với các thuốc pha loãng máu liều cao để để giúp tái lập lại tuần hoàn cho võng mạc của người bệnh. Rất may là sau hơn 2 tiếng điều trị tích cực, thị lực của bệnh nhân đã cải thiện gần bằng lần can thiệp đầu tiên.

​Hiện tại, 14 ngày sau tai biến, toàn trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn nhiều, các cơn đau buốt đầu vào mắt đã giảm, vùng da mắt và mũi phục hồi gần như bình thường, không còn dấu hiệu hoại tử. 

Bệnh viện vẫn phải theo dõi sát liên tục và sử dụng phối hợp cùng một lúc 2 loại thuốc loãng máu. Thị lực bệnh nhân cũng khá hơn so với lần tiêm thuốc giải lần 2. Bệnh nhân có thể đếm được các ngón tay, nhìn phân biệt các đồ vật ở khoảng cách 50 - 60 cm.

Hiện tại thị lực của bệnh nhân đã cải thiện, không còn dấu hiệu hoại tử. Ảnh: VNExpress

Được biết, đây là lần đầu tiên các bác sĩ tại Việt Nam thực hiện thông tắc mạch máu mắt tới 2 lần để phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Trước đó, các trường hợp mù mắt do tiêm filler đều không thể phục hồi. "Bệnh nhân có thể giữ lại một phần thị lực, không bị mù vĩnh viễn, là kết quả hơn cả mong đợi", Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, Khoa Chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết.

Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ quốc tế, năm 2018, có khoảng hơn 3,7 triệu ca tiêm filler được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình trên toàn thế giới, chưa kể đến rất nhiều các thủ thuật tiêm filler thực hiện bởi các bác sĩ không chuyên khoa cũng như được tiêm một cách trái phép tại các spa trôi nổi. 

Một nghiên cứu tổng quan gần đây cho thấy, tỷ lệ các biến chứng từ tắc mạch hoặc mù mắt dao động từ 3 đến 9 ca trên 10.000 ca tiêm. Đây là một con số hết sức đáng báo động. Số ca biến chứng rất nặng như mù mắt sau tiêm chưa có con số chính xác nhưng ước tính cũng lên đến cả trăm ca.

Trao đổi với PV VTV News, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, khi người tiêm filler không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao. 

Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng, còn nếu tắc động mạch mắt - nhất là động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ gây mù mắt. Diện tích da xung quanh phần cấp máu của các nhánh mạch quanh ổ mắt cũng sẽ vì thế mà hoại tử gây biến dạng khuôn mặt. 

Do động mạch mắt không có các vòng nối phong phú như trên da nên một khi bị tắc, hiện tượng hoại tử sẽ diễn ra rất nhanh, thời gian vàng để can thiệp không còn là 6 giờ như nối chi đứt rời mà rút xuống chỉ còn 60 đến 90 phút.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //