Chuyện nhà Dr Thanh: Ông bà thân sinh với cú hỏi cưới vợ "liền tay" sửng sốt

29-06-2017 07:00:00

“Nghe ông Tám ngỏ lời cầu hôn giống như người ta đang nói chuyện vẩn vơ trên trời dưới đất, bà Thâu nhìn ông hơi nghẹn ngào, khẽ chớp chớp mắt…”.

LTS: Cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” do Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Trần Uyên Phương chắp bút chính thức ra mắt độc giả, giới doanh nhân, truyền thông tại TP.HCM chiều 14/6, sau suốt gần 10 năm ròng rã thu thập tư liệu và chắp bút.

Cuốn sách là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của người con khi viết về gia đình mình.

Câu chuyện đằng sau một trong những doanh nghiệp giữ quyền lực hàng đầu của lĩnh vực kinh doanh nước giải khát trên thị trường Việt Nam và châu Á; rồi chân dung được lột tả chân xác và trần trụi của doanh nhân Trần Quí Thanh từ góc nhìn chính cô con gái ruột... những điều này đã quá đủ để người đọc tò mò và muốn tìm hiểu về "Chuyện nhà Dr.Thanh".

Dưới đây là một trích đoạn nổi bật, kể về cuộc tình say đắm nhất của Trần Quí Thanh:

Trần Quí Thanh gốc gác là dân Sài Gòn, thành phố của khai phá, khẩn hoang, quy tụ nhiều dòng người tứ xứ đổ về tìm mảnh đất mới, xây dựng nên một thành phố trẻ. Chính vì thế, văn hóa Sài Gòn là văn hóa đa chiều hội nhập, con người năng động, trẻ trung trong phát triển kinh tế.

Ông cụ thân sinh ra Trần Quí Thanh tên là Trần Văn Bưởi, con thứ tám trong một gia đình rất đông anh em. Nhờ bản tính xông xáo, tháo vát, lại rất giỏi buôn bán và các nghề cô khí, nên một mình ông gần như cáng đáng hết mọi chuyện trong nhà.

Mọi người trong xóm hồi đó thường kêu ông là chú Tám Hiệp Phát, bởi đó cũng là tên vựa buôn bán vật liệu xây dựng của ông.

Tình hình kinh tế, chính trị miền Nam từ khoảng những năm 1940 đến 1945 rất lộn xộn. Chiến tranh đạn bom dữ dội, lại còn các giáo phái tôn giáo nổi lên tranh giành lãnh địa. Bom đạn, ly tán, cháy nhà cháy cửa, nên rất nhiều người dân, nhất là các tỉnh ngoài cần những vật liệu như xi – măng, mây, tre, nứa, lá để dựng lại nhà cửa. Vì thế, vựa bán vật liệu xây dựng của ông Tám đắt như tôm tươi.

Dù có tiền, nhưng ông Tám là con người khắc khổ, khó tính, quen sống tự lập và hết sức chặt chẽ, chỉn chu trong từng công việc. Ông đã bắt tay vào việc gì là làm đến cùng, không ngăn cản được.

Tướng ông Tám không bự con nhưng rất cao, đặc biệt hai bàn chân ông dài hơn người ta cả khúc. Ông hay đi loại giày Tây dài, mũi nhọn ngóc lên như mũi thuyền và ngón chân ông lấp đầu hết bên trong mũi giầy. Mải lo làm ăn nên hơn 40 tuổi ông vẫn chưa cưới vợ. Cụ thân sinh ra ông nhiều lần làm dữ, la chói lói, nhưng ông cứ cười trừ.

Chuyện nhà Dr Thanh: Ông bà thân sinh với cú hỏi cưới vợ liền tay

Ông Tám thì cứ vô tâm, cũng có nhiều cô gái đẹp trong xóm để ý nhưng ông tìm thấy niềm vui trong công việc nhiều hơn trong chuyện tình cảm. Hoặc như người ta hay nói về duyên số.

Trong số những bạn hàng quen của vựa Hiệp Phát có bà Nguyễn Thị Thâu khá xinh đẹp, dáng người tầm thước, ở Hưng Phú – Lái Thiêu hay đến bỏ mối hàng. Bà có hai người con, chồng đã mất. Qua nhiều lần giao tiếp, ông Tám cũng cảm thông, nảy sinh tình cảm thầm kín với bà, nhưng không dám nói ra.

Một ngày, sau khi thanh toán hết tiền hàng, ông Tám mời bà Thâu vào nhà nói chuyện với vẻ nghiêm trọng. Ông lúng túng nhìn xuống đất, rồi ông nói giọng tưng tửng, nửa như tâm sự với ai đó: “Tại má tôi dí quá, cứ nằng nặc bắt tôi cưới vợ… Mà biết lấy ai đâu… Tôi không để ý cô nào… Hay là bà ưng nhận lười lấy tôi, rồi hai đứa mình hợp tác làm ăn?”.

Nghe ông Tám ngỏ lời cầu hôn giống như người ta đang nói chuyện vẩn vơ trên trời dưới đất, bà Thâu nhìn ông, hơi nghẹn ngào, khẽ chớp chớp mắt.

Bà không còn cái cảm giác e ấp của cô gái mới lớn khi nghe người ta tỏ tình. Từ lâu bà đã ao ước kiếm được người chồng tử tế như ông để chia sẻ, để ngả vào lòng nhau trong cái tuổi hồi xuân sớm của một người đàn bà góa bụa. Cũng có nhiều người đàn ông khác ngỏ ý tiến tới với bà, nhưng họ đòi hỏi quá nhiều hoặc chỉ muốn đi tìm niềm vui trong chốc lát.

Bà Thâu đã một mình nuôi con suốt nhiều năm và tỉnh táo nhận ra rằng, bà cần một người đàn ông tử tế biết thông cảm hoàn cảnh của mình hơn là sự chắp vá tình cảm vội vã, để rồi chia tay. Bà sợ sự đổ vỡ, khi không còn nhiều thời gian trông ngóng những chuyến đò.

Tự nhiên bà thấy thương và tin tưởng người đàn ông bứt rứt khổ sở, lúng túng ngồi trước mặt mình. Một lát sau, với tất cả lòng tự trọng của người đàn bà đã qua một đời chồng, bà cố gắng nói chậm rãi, không tỏ ra vồ vập: “Tôi biết từ lâu ông có để ý tôi… Thấy ông cũng là người đàng hoàng, giỏi công chuyện làm ăn… Ờ, hay tôi nhận lời lấy ông… Nhưng ông hứa phải chăm sóc tốt cho hai đứa con tôi nghe”.

Ông chủ Tân Hiệp Phát

Ông Tám hít một hơi dài, sung sướng thở phào như trút được gánh nặng cả ngàn cân trong lòng. Lúc này ông mới dám tự tin ngước nhìn lên gương mắt người đàn bà vẫn còn nhiều nét của một thời xuân sắc. Vậy là ông đã có vợ. Có người vợ đẹp do chính ông lựa chọn, chứ không phải vì ai ép uổng. Chỉ chút xíu nữa ông buột miệng thốt lên hai chữ: “Cám ơn!”.

Bà Thâu chủ động đặt nhẹ lên tay ông. Bàn tay thô ráp, chai sạn của anh chàng trai tân đã ngoài bốn mươi, cao lêu nghêu hơi khẽ run lên. Bà lại không nín được cười. Nhưng bây giờ là cái cười không ra tiếng, đầy sự âu yếm, vuốt ve. Vậy là hai người tổ chức cưới nhau.

Hai ông bà về ở với nhau được vài năm thì sinh hạ ra Trần Quí Thanh. Gia đình thoạt đầu sống hòa thuận, yên ấm với hai người con riêng của bà Thâu.

Hai người con riêng của bà Thâu được ông Tám cố gắng làm tròn lời hứa, thật tâm coi họ như con ruột của mình. Ông truyền nghề cơ khí, chu cấp tiền bạc và dạy cho họ cung cách bước ra thương trường. Có điều ông Tám không thể nào ngờ rằng, một ngày kia những người con riêng của bà Thâu đã xung đột dữ dội, kiện tụng người thân ra tòa suốt nhiều năm liền không dứt.

Khi cậu quý tử Trần Quí Thanh ra đời được vài năm thì trong nhà bắt đầu xảy ra cãi cọ lục đục, nguyên nhân là ông Tám không muốn vợ mở đồn điền cao su. Những cuộc cãi vã mâu thuẫn về cá tính và quan điểm làm ăn ngày một nổ ra thường xuyên hơn. Cuối cùng, hai ông bà đều mang cá tính mạnh đã không chịu đựng nổi nhau và đi đến thỏa thuận ly thân. Ông Tám quyết định ký văn tự cho bà Thâu toàn bộ gia sản với điều kiện nuôi Trần Quí Thanh đến 18 tuổi.

Ấn phẩm “Chuyện nhà Dr. Thanh” có 224 trang, do NXB Phụ nữ phát hành.

Độc giả có thể liên hệ số điện thoại: 04 390 68686 để đặt mua cuốn sách.

Với mỗi cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” được đặt mua, 20.000 đồng sẽ được trích lại để trao học bổng khuyến học. 

 

T.N
Theo Đời sống Plus/GĐVN //