Chuyện khó tin ở Tuyên Quang: Người dân 16 năm bỏ tiền mua nước suối bẩn vì tưởng là... nước sạch
Mua nước sạch với giá cao nhưng nhiều hộ dân ở khu tái định cư Tân Lập (Na Hang, Tuyên Quang) té ngửa vì nước mình sử dụng là nước bẩn, dẫn trực tiếp từ suối về, không qua xử lý.
Nước “sạch” mua về để... rửa chuồng lợn
Bên cạnh việc thiếu đất sinh hoạt, canh tác, một vấn đề nữa khiến người dân ở khu tái định cư Tân Lập (Na Hang, Tuyên Quang) bức xúc chính là vấn đề nguồn nước cung cấp cho người dân.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, 16 năm qua, họ đều phải mua thứ nước bẩn chưa qua xử lý để sinh hoạt cũng như phục vụ sinh hoạt.
“Nước họ lấy trực tiếp từ suối đầu nguồn ở bản Bung (xã Thanh Tương, Na Hang) rồi theo đường ống chảy vào bể chứa trên đồi và cung cấp thẳng cho người dân mà không hề qua một khâu xử lý nào.
Những lúc có mưa to, nước đầu nguồn đục ngầu là y như rằng nước sinh hoạt của chúng tôi cũng đục như vậy. Vì thiếu nước nên chúng tôi đành phải để lắng cặn xuống sau đó mới dùng được”, bà Bình, một người dân ở khu tái định cư bức xúc.
Theo lời một hộ dân khác (xin được giấu tên) con suối ở đầu nguồn ở bản Bung rất ô nhiễm, mất vệ sinh. Những cặn bẩn, lá cây từ trên đầu nguồn theo đường ống nước chảy xuống sau đó người dân tại khu tái định cư Tân Lập lại phải sử dụng để ăn uống, sinh hoạt.
Nước sinh hoạt mất vệ sinh là thế nhưng số tiền bỏ ra để có nước dùng lại không phải là nhỏ. Theo đó, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang đến từng hộ gia đình để ký hợp đồng sử dụng nước mới mức giá 4.285 đồng/m3 nước.
“Vì tưởng rằng được dùng nước sạch để sinh hoạt nhưng hóa ra chúng tôi đều bị họ lừa cả. Những gia đình có điều kiện thì phải khoan giếng để có nước sinh hoạt. Còn những người không có thì phải ngậm cay đắng mua nước bẩn về để dùng”, một người dân chia sẻ.
Trao đổi với PV về vấn đề nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm ông Nguyễn Quảng Ba, Trưởng thôn tái định cư Tân Lập cho biết: “Không chỉ có những hộ dân tái định cư mà ngay cả chúng tôi là những người dân sinh sống ở đây lâu năm cũng phải dùng nước chưa qua xử lý đó”.
Theo ông Ba cung cấp, do biết nguồn nước Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang bán cho người dân là nước suối chưa qua bất cứ khâu xử lý nào nên gia đình ông phải đi lấy nước khe về để sinh hoạt còn nước “sạch” mua của công ty thì chỉ dùng đề rửa chuồng lợn và phục vụ chăn nuôi.
Nghịch lý nước “sạch” chỉ được dùng để rửa chuồng lợn và chăn nuôi tồn tại đã 16 năm ở Tân Lập. Người dân khốn khổ phải đi gõ cửa cơ quan chức năng để chờ giải quyết nhưng đều vô vọng.
“Tôi xem truyền hình, đọc báo thấy cứ bảo chính quyền chăm lo cho người dân tái định cư và cuộc sống của người dân đã ổn định và khấm khá hơn nhưng có đến đây thì mới biết dân khổ như nào”, một người dân chua chát tâm sự.
Trao đổi với PV những khúc mắc của người dân về vấn đề nước sinh hoạt, ông Lê Hoài Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang cho biết, vấn đề nước của người dân tại khu tái định cư Tân Lập do Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang quản lý còn thị trấn... không nắm được!
Bán nước suối giá cao và điệp khúc... không nắm được!
Trao đổi với PV, ông Thể, Chánh Văn phòng UBND thị trấn Na Hang cho biết chưa nắm được thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, sau đó, ông Thể cho biết, người dân ở khu vực miền núi toàn lấy nước ở suối về để dùng.
“Người dân miền núi không lấy nước ở suối về thì lấy ở đâu? Chỗ nào cũng thế ấy mà. Bản thân nhà tôi cũng lấy nước từ trên núi về dùng đấy thôi. Thực ra vấn đề này tôi cũng không nắm được vì tôi cũng mới đến đây làm, mới sang nhiệm vụ này được hơn 2 tháng thôi”, ông Thể thông tin.
Tiếp tục liên hệ với ông Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang, ông Sơn cũng cho biết không nắm được vụ việc này và cũng không nghe thấy người dân phản ứng gì. Khi được hỏi về công trình nước sạch ở khu tái định cư Tân Lập, ông Sơn cho biết vấn đề này được bàn giao cho bên Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang chứ UBND thị trấn cũng không quản lý.
Trao đổi với PV, ông Hùng, đại diện Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang phụ trách công trình dẫn nước phục vụ các hộ dân khu tái định cư Tân Lập cho biết mình cũng... không nắm rõ nội dung vì mới về công ty.
Nói về việc công ty cho dẫn nước từ suối về bán cho dân nhưng lại thu với mức giá khá cao, ông Hùng cho biết. “ Những hộ dân nào có nhu cầu sử dụng nước, chúng tôi sẽ có cho làm hợp đồng ký kết giữa các bên chứ hoàn toàn không phải bắt buộc dùng nước do công ty cấp. Người dân cũng có thể khoan giếng để có nước sinh hoạt hoặc đi lấy nước từ các mỏ, khe về để dùng.
Chúng tôi nhận bàn giao công trình này từ xã từ năm 2014 chứ cũng không có đầu tư gì. Xã bàn giao như nào chúng tôi quản lý như vậy, chứ bên công ty cũng không đầu tư gì. Đây là công trình nước sạch nông thôn nên mức phí 4.285 đồng/m3 là... không cao”.
Khi được PV cho biết trên thượng nguồn con suối dẫn nước xuống cho các hộ dân khu tái định cư Tân Lập sử dụng, dân bản sinh hoạt, phun thuốc trừ sâu nhưng công ty vẫn không cho xử lý mà dẫn thẳng xuống cho dân sử dụng và bán với giá cao, ông Hùng thông tin mình.... chưa lên thượng nguồn cung cấp nước bao giờ nên cũng... không nắm được sự việc và sẽ cho anh em kiểm tra lại.
Khi được hỏi về phương án khắc phục tình trạng dân phải sử dụng nước bẩn với giá cao, ông Hùng cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ lên khảo sát lại toàn bộ hệ thống cung cấp nước cho người dân. Thú thật là bây giờ việc xây dựng hệ thống lọc cũng nằm ngoài khả năng của công ty vì chúng tôi mới chuyển đổi sang công ty cổ phần nên nguồn kinh phí cũng còn rất eo hẹp”.
Ông Hùng cũng cho biết bản thân hoàn toàn không nắm được thông tin gì về chi phí đầu tư dự án nước sạch nông thôn mà chỉ nhận bàn giao lại sau đó quản lý. “Nhận bàn giao lại là chúng tôi đã phải tốn mấy trăm triệu để đầu tư vào hệ thống đồng hồ đo nước của các hộ gia đình”, ông Hùng thông tin.
Có thể thấy, mặc dù hiện trạng dân sử dụng nguồn nước bẩn, mất an toàn vệ sinh tồn tại cả chục năm nay nhưng chính quyền cũng như cơ quan chức năng đều... không nắm được.
Trong khi hàng ngày, nhiều người dân như bà Bình vẫn phải vất vả vượt cả trăm cây số mang tờ đơn đi gõ cửa các cơ quan công quyền để có nước sạch sử dụng nhưng vẫn vô vọng.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần vào cuộc sát xao hơn nữa để cải thiện cuộc sống của những hộ dân ở nơi đây.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này)