Chuyện ít biết sau chiến công oanh liệt của 11 cô gái sông Hương
Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những chiến công của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn được nhớ đến cho đến hôm nay, là bản anh hùng ca bất tử trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Những nữ dân quân anh hùng
Tiểu đội nữ dân quân xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập năm 1967, gồm 11 cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, được giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của địch ở trên địa bàn TP.Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi quân giải phóng ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Các cô vào vai con gái làng nón đưa sản phẩm làng nghề đi bán dạo cho người dân khắp khu vực phía Nam thành phố để thu thập tình hình.
Cô Hoàng Thị Nở chụp tại nhà riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: L.V.B
Ngoài ra, nhiệm vụ của tiểu đội còn là giúp cho quân giải phóng (bộ đội) chủ lực Tiểu đoàn K2 đặc công, K10 và các đội biệt động nhắm đúng vào các mục tiêu, đánh địch, chiếm Sở chỉ huy Phan Sào Nam, đánh chiếm căn cứ quân sự Hoa Mai, An Cựu, đánh vào khách sạn Hương Giang, Ty Cảnh sát ngụy, Nha thẩm vấn, nhà lao Lê Quý Đôn, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến ở sân vận động Huế vào đêm mồng 1 Tết Mậu Thân.
Đêm 11 rạng ngày 12/2/1968, cùng với nhiều đơn vị khác, tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã tổ chức đánh địch phản kích từ hướng Thuận An lên, đẩy lùi một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 120 tên tại ngã ba chợ Cống, phường Phú Hội (TP.Huế), góp phần giữ vững địa bàn và bảo toàn lực lượng cho bộ đội chủ lực.
Trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài nhiều ngày, tiểu đội đã hy sinh 4 người: Cô Hoàng Thị Sau và cô Đỗ Thị Hoa hy sinh ngày 12/2/1968, cô Hoàng Thị Hết và cô Nguyễn Thị Diên hy sinh ngày 24/2/1968.
7 cô gái còn lại vẫn vững vàng bám địa bàn, giữ vững tay súng, kiên cường chống địch và thuyết phục những binh lính ngụy quân trở về với cách mạng. Sau 26 ngày đêm chiến đấu ác liệt cùng với các đơn vị khác, tiểu đội được lệnh “rút lên rừng”. Trước thắng lợi đó, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư khen ngợi với bốn câu thơ sau:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
Những chiến công hiển hách của 11 cô gái sông Hương mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thừa Thiên - Huế nói riêng, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà lúc sinh thời Bác Hồ đã trao tặng. Tiểu đội cũng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 4/2009.
Niềm an ủi của người ở lại
4 cô gái sông Hương cùng hai đại biểu tại Lễ khánh thành Bia Chiến công 11 cô gái sông Hương ngày 17/10/2016. Ảnh: NVCC
Tôi khá may mắn được gặp và trò chuyện thân tình hai lần với 1 trong số những cô gái của Tiểu đội Anh hùng đó. Đó chính là cô là Hoàng Thị Nở (sinh năm 1949, hiện đang sống tại đường Bà Triệu, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế). Một buổi chiều mùa thu năm 2013, sau chuyến công tác tại Hội Nông dân tỉnh, tôi đã chủ động đi tìm và may mắn được gặp cô.
Năm đó, cô Nở 64 tuổi, vẫn mang trong mình mảnh đạn ở mang tai trái, vết thương thường xuyên hành hạ cô. Tiếp tôi với một tình cảm chân tình, cởi mở, sau những phút xã giao, câu chuyện trở nên thân thiết, gần gũi hơn khi được biết cô Nở từng là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Huế. Cô về nghỉ hưu theo chế độ năm 2007.
Cô trực tiếp kể lại cho chúng tôi nghe về chiến công của tiểu đội trong chiến dịch Mậu Thân 1968, những điều mà trước đó chúng tôi chỉ được đọc trong sách báo hay nghe kể lại.
Cô nhớ lại, lúc đó, tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ. Nhưng cả tiểu đội cùng nhau họp lại, ai cũng quyết tâm đánh giặc tới cùng. “Đây là đất mình, mình quen cứ bám địch mà đánh dần, theo kế hoạch đó mà làm tiêu hao sinh lực của địch", các cô đưa ra phương án tác chiến.
Sau trận đánh đó, tiểu đội hy sinh mất 4 cô. Tiếp đó, đến ngày 15/9/1969, Tiểu đội phó Hoàng Thị Cúc lại hy sinh khi trở về thành phố làm nhiệm vụ. Ngày 24/4/1972, trong một trận đánh chống quân Mỹ - ngụy càn xuống Kim Long, Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên cũng anh dũng hy sinh. Cô Liên đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, theo Quyết định số 385/KT-CTN của Chủ tịch nước ngày 20/12/1994 và được đặt tên đường tại phường Kim Long, Huế.
5 nữ dân quân trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương về Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ năm 2012. Ảnh: NVCC
Sau năm 1975, cô Hoàng Thị Nở về làm Phường đội trưởng Vĩnh Lợi, nay thuộc Phú Hội, TP.Huế, rồi làm Chủ tịch Hội Nông dân TP.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi năm 2013, cô Hoàng Thị Nở cũng bày tỏ mong ước có một bia vinh danh chiến công của tiểu đội tại TP.Huế.
Đến tháng 7/2019, tình cờ tôi lại được gặp cô. Cô vừa phải trải qua hai đợt phẫu thuật bướu cổ, bị ảnh hưởng nhiều đến giọng nói. Năm nay cô cũng tròn 70 tuổi. Năm trước cô vừa được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Cô vui vẻ khoe luôn: “Lần ni em vô đã có tin vui. Ngày 17/10/2016 tỉnh đã khánh thành Bia Chiến công 11 cô gái sông Hương, với kinh phí 2,8 tỷ đồng, đặt tại Công viên Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ, TP.Huế”.
Cô Nở kể tiếp: 5 chị em còn lại tới giờ của Tiểu đội sông Hương gồm: Cô Lê Thị Xê ở Ninh Bình, cô Nguyễn Thị Hợi ở Đà Nẵng, cô Nguyễn Thị Hoa, cô Chế Thị Mừng và cô đều sống ở Huế thi thoảng gặp nhau, động viên nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và ôn lại kỷ niệm xưa.
Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tôi muốn viết đôi dòng để bày tỏ lòng tri ân tới những người đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc, trong đó có những cô gái nữ dân quân anh hùng của Tiểu đội sông Hương.