Chuyên gia Trung Quốc lý giải hiện tượng mưa lũ bất thường ở nước này

20-07-2020 14:04:01

Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hoạt động của con người được cho là hai trong những nguyên do gây ra mưa lũ bất thường ở Trung Quốc những năm vừa qua.

Sự kiện:
Trung Quốc

Cảnh báo mưa lũ đã được Trung Quốc đặt ở mức cao nhất tại nhiều nơi.

Tính từ tháng 6 tới nay, mưa lớn đã tấn công 27/31 tỉnh của Trung Quốc, ảnh hưởng hơn 37 triệu người dân, làm ít nhất 150 người mất tích/thiệt mạng, thiệt hại kinh tế ước tính ở mức 86 tỉ nhân dân tệ (khoảng 12,3 tỉ USD).

Lũ lụt ở Trung Quốc bắt đầu từ phía nam thuộc khu vực vùng Quảng Tây và Quý Châu. Sau đó, mưa lớn đã đổ bộ một diện tích lớn tại các vùng khác của Trung Quốc, bao gồm phía đông tỉnh Giang Tây, phía đông nam tỉnh An Huy và trung tâm tỉnh Hồ Bắc. Mức cảnh báo lũ đã được đặt ở mức cao nhất ở nhiều nơi. 


Mưa lũ đã tấn công 27/31 tỉnh của Trung Quốc

Được biết, đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây của đất nước này. Mức độ thảm họa ở ngưỡng nghiêm trọng, với 433 con sông có mực nước vượt mức kiểm soát từ tháng 6 tới nay, 33 con sông trong số đó đạt mức cao kỷ lục. Ở một số vùng thiệt hại nặng nề nhất như Giang Tây, nhiều con đê bị hư hại nặng, nhà cửa ngập trong nước.

Mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc, nguyên nhân do đâu?

Tại Trung Quốc, từ giữa những năm 1990 tới nay, tần suất mưa lớn đã tăng mạnh. Trong vòng 60 năm qua, số ngày mưa lớn đã tăng 3,9% sau mỗi chu kỳ 10 năm. Số liệu từ Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho thấy, lương mưa trung bình hàng tháng của nước này năm nay đã vượt 290 mm, tăng 7% so với những năm trước.

Theo số liệu từ nhà môi giới bảo hiểm Aon, mưa lũ ở Trung Quốc hiện là thảm họa thời tiết đứng thứ ba thế giới về mức độ thiệt hại của năm 2020, xếp sau bão Amphan tấn công Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 và đợt mưa bão hồi tháng 4 ở Mỹ.


Mưa lũ ở Trung Quốc hiện là thảm họa thời tiết đứng thứ 3 thế giới về mức độ thiệt hại của năm 2020

Không ít người cho rằng, sự kết hợp giữa những yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã gây ra những trận mưa lớn, kéo dài hơn bình thường ở một số vùng.

Song Lianchun - Nhà thiên văn học ở Trung tâm Khí hậu Quốc gia – chia sẻ: “Chúng ta không thể khẳng định rằng một hiện tượng thiên nhiên nào đó là kết quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhưng xét trong khoảng thời gian dài, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã dẫn tới sự gia tăng trong tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan”.

Yang Fuqiang - Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia ở Bắc Kinh - nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đương đầu với tình trạng mưa lũ cực đoan trong những năm sắp tới. Yang chia sẻ: "Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng mà ở đó sẽ có lũ lụt dữ dội hơn và mưa lớn hơn xảy ra không đồng đều trên những khu vực rộng lớn".


Phượng Hoàng Cổ Trấn ngập sâu trong biển nước. Nguồn: Real China TV

Bên cạnh biến đổi khí hậu, nhiều thập kỷ phát triển kinh tế và đô thị hóa liên quan đến việc thu hồi đất từ hồ và vùng đất ngập nước cũng đã làm tăng mức độ của thiên tai. Vũ Hán, từng được biết đến là "thành phố trăm hồ", đã chứng kiến hầu hết trong số 127 hồ từng tồn tại vào những năm 1980 đã bị lấp đi để lấy đất. 

Theo nhà địa lý David Shankman -  Đại học Alabama, từ năm 1954 tới năm 1998, khoảng 1.300km đất đã bị lấn chiếm, khiến diện tích bề mặt hồ bị giảm từ 5.160km2 xuống còn 3.860km2.

Fam Xiao - nhà địa lý tại Sở Địa lý và Khoáng sản Tứ Xuyên – cho biết hoạt động lấn chiếm đất và xây đập ở các con sông lân cận đã làm giảm diện tích và sức chứa của hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước tại hồ Bà Dương đang tăng nhanh chưa từng thấy, hiện đã vượt qua mức cảnh báo trong trận lũ lụt này. 

Theo Zhang Wenbin – nhà hoạt động vì môi trường – cho biết, một số dự án xung quanh hồ Tuolin (Giang Tây) vẫn được triển khai hồi năm ngoái, mặc dù các nhà điều tra môi trường ở Bắc Kinh đã yêu cầu dừng lại. Ông cũng nói thêm hồ Tuolin đã bị thu hẹp dẫn đến khả năng chứa nước cũng giảm.

Thanh Thảo (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //