Chuyên gia phong thủy hướng dẫn cách đốt vàng mã ngày rằm tháng 7

09-08-2019 14:00:12

Rằm tháng 7 được coi là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt Nam bởi đây là ngày xá tội vong nhân và là lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ theo Phật giáo.

Tuy vậy, không phải ai cũng biết đốt vàng mã ngày rằm tháng 7 như thế nào cho đúng.

Theo phong tục xưa, các gia đình thường làm mâm cơm mặn, một để cúng chúng sinh ngoài trời, hai là cúng tổ tiên. Với quan điểm, người chết không phải là hết nên mâm cúng cô hồn thường được chuẩn bị đầy đủ ngoài muối gạo, bỏng gạo, bánh kẹo, các gia đình còn sắm nhiều tiền vàng, quần áo chúng sinh. Trong khi đó, mâm cúng dành cho tổ tiên cũng được chuẩn bị các bộ quần áo, nhà, xe,… vàng mã để gửi về phía thế giới bên kia cho người thân đã mất. Nhiều người vẫn cho rằng, cách tốt nhất để người chết được sống cuộc sống đủ đầy cũng như vong nhân siêu thoát là đốt thật nhiều tiền, vàng mã.

Hình minh họa

Chia sẻ về quan điểm này, bà Nguyễn Võ Uyên Mi (giảng viên phong thủy TP. Hồ Chí Minh) cho rằng:

“Đốt vàng mã là một trong những phong tục của người Việt Nam. Vàng mã là những loại giấy tiền in các bài kinh văn siêu độ cho vong linh. Tuy nhiên, việc sử dụng loại giấy tiền mô phỏng tiền tệ hiện đại và các vật dụng công nghệ như xe máy, điện thoại, máy tính bảng nên đã làm mất đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng của việc đốt giấy tiền ban đầu.

Trong lễ cúng rằm tháng 7, các gia đình nên mua số lượng vừa đủ giấy tiền vàng bạc nhiều loại xưa nay khác nhau, ưu tiên loại vàng mã có kinh văn siêu độ vong linh. Việc đốt vàng mã quan trọng nhất là thể hiện lòng thành nên việc đốt vàng mã cần chỉ mua phù hợp, vừa đủ, tránh mua quá nhiều sẽ gây lãng phí".

Về việc đốt vàng mã rằm tháng 7 như thế nào cho đúng, bà Uyên Mi nói: “Khi đốt nên chậm rãi, từ tốn, vừa đốt vừa gọi tên người đã mất. Không được đốt nhanh một lần bằng việc gom tất cả cho vào lửa và bỏ đấy. Hành động này là hấp tấp, không thành tâm.

Vật dụng đốt cho ai nên ghi rõ họ tên, không dùng từ “chết” mà nên dùng từ “đại nạn” vào năm nào. Khi đốt, gia chủ cũng không được dùng "cây khấn" vào tiền đang đốt sẽ làm nát hết phần tro. Đặc biệt, gia chủ càng không nên dùng nước dội thẳng vào để dập lửa khi lửa chưa tàn hết".

Về giờ cúng và thực hiện đốt vàng mã, bà Uyên Mi cho rằng: “Các gia đình nên cúng trước 11h30 trưa 15 tháng Bảy. Tốt nhất nên chọn giờ cúng hợp với tuổi gia chủ bằng việc dụng thẻ để cúng vào các giờ Hỏa phong đỉnh. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, các gia đình đều bận rộn công việc nên có tâm lý tiện giờ nào cúng giờ đó miễn là đừng để qua 11h30 tối 15 Âm lịch. Không nên cúng rằm tháng 7 qua ngày khác nghĩa là từ đêm hôm trước sang canh của ngày hôm sau".

Sự tích đốt vàng mã. Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp

 

Theo Mai Anh
(Dân Việt) //