Chuyên gia cảnh báo virus corona lây qua aerosol là gì?
Nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo virus corona lây qua aerosol được hiểu như thế nào.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN
Chuyên gia Trung Quốc ngày 8/2 cảnh báo 2019-nCoV có thể 'lây qua aerosol', nhưng cảnh báo này đang gây tranh cãi vì 'aerosol' có hai cách hiểu.
Theo Bộ Y tế, một số thông tin cho rằng aerosol là "bụi khí" nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là “khí dung”.
Cụ thể, "aerosol", nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là "khí dung", chứ "bụi khí" là không chính xác và không có chuyện nó bay lung tung trong không khí thông thường vì khí dung chỉ dùng trong cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay khí dung thực chất là một trong những thủ thuật điều trị của ngành y tế đó là sử dụng các dung dịch sau khi đã bốc hơi và đưa trực tiếp vào đường hô hấp của người bệnh. Đây là biện pháp thường sử dụng cho các bệnh nhân bị hen suyễn hay những bệnh nhân bị co thắt phế quản chứ không phải virus corona 2019 lây qua đường không khí.
Hiện nay, việc lây bệnh 2019-nCoV qua đường không khí là đối với những giọt bắn từ người nhiễm bệnh từ khoảng cách 2 mét và trên 2 mét là an toàn.
Chữ "aerosol" lập tức gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế tại Việt Nam cho rằng aerosol cần được hiểu là "khí dung". Theo đó, ý kiến của ông Tăng Quần ở đây phải được hiểu là 2019-nCoV có thể lây qua "khí dung", tức khuyến cáo các bệnh viện không nên sử dụng phương pháp khí dung để điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc (phiên bản tiếng Hoa) gọi thuật ngữ "aerosol" trong phát biểu của ông Tăng Quần là "khí dung giao". Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc gọi "aerosol" là "lây truyền khí dung giao".
Trên thực tế, tranh cãi này làm bật lên một số câu hỏi: "khí dung" theo cách hiểu của một số chuyên gia Việt Nam và "khí dung giao" theo cách hiểu của phía cơ quan chức năng Trung Quốc khác nhau ra sao.
Theo một số chuyên gia y tế tại Việt Nam, tại nước ta, khí dung được hiểu là một phương pháp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp, trong đó sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân.
Rất nhiều người không hiểu chữ "khí dung" có nghĩa là gì, là không khí, là một phương pháp hay một động từ, nên có chuyện một số trang tin còn viết theo kiểu "khí dung là một loại máy xông thuốc".
Trong tiếng Anh, chữ "khí dung" tương ứng là "nebulization", còn máy khí dung (dụng cụ thực hiện quá trình khí dung) được gọi là "nebulizer". Động từ của nó là "nebulize", chỉ việc chuyển chất lỏng thành chất bơm. Phương pháp điều trị bằng khí dung (nebulization) được xếp vào một dạng phương pháp điều trị bằng khí bơm, có cụm tiếng Anh phổ biến là "aerosol therapy".
Nói cách khác, nebulization là một phương pháp "aerosol therapy". Và nếu xét theo ngữ nghĩa, chữ "aerosol" chỉ là một danh từ chung chứ không phải "khí dung".
Trong tiếng Hoa, nebulization được dịch là 雾 化, tức "vụ hóa". Trong đó chữ "vụ" là không khí, sương mù, còn "hóa" có nghĩa như một phương pháp, một kiểu tương tự "chuyển hóa" như chúng ta hay dùng.