Chuyện đau đớn khó tin ở Hải Phòng: Mẹ xây chuồng nhốt 3 con

22-05-2017 06:11:08

Ngôi nhà ấy của người đàn bà hằng đêm đi nhặt rác mưu sinh ấy thứ gì cũng xập xệ, nhưng có 3 chiếc chuồng chắc chắc, kiên cố. Những chiếc chuồng ấy dùng để nhốt người, là những đứa con của người đàn bà khốn khổ...

Người mẹ và những đứa con điên

Tìm đến khu Đẩu Phượng 4 (phường Văn Đẩu, quận Kiến An, Hải Phòng) hỏi bà Nguyễn Thị Thuân có 3 người con mắc bệnh tâm thần thì không một ai là không biết.

Giữa cái khung cảnh phồn hoa, đô hội của phố phường, căn nhà nhỏ bé của gia đình bà Thuân nằm hiu hắt khuất sau bụi chuối, và những tán cây rợp bóng. Bên ngoài cánh cổng sắt, một tấm biển to bản ghi số điện thoại của bà để có người tìm đến có thể tiện đường liên lạc.

Bấm chuông một lát, nam người thanh niên dáng người nhỏ thó, tay xăm trổ mới đi ra mở cửa. Người thanh niên này mở cổng nhưng không nói không rằng lại chạy ra phía sau nhà, leo chót vót lên cây me vừa bứt quả vừa khanh khách cười.

Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thuân. Ảnh: Duẩn.

Tôi chờ bên ngoài một lúc lâu sau, một người đàn bà khuôn mặt khắc khổ, từng bước khó nhọc tiến vào. Lúc này, tôi mới biết đó chính là bà Thuân.

Bà Thuân với tay túm lấy chiếc vòng trên cổ con chó hung dữ vẫn không ngớt sủa khi thấy người lạ vào nhà kéo ra buộc dưới gốc me rồi ngửa cổ lên nói với người thanh niên đang ngồi cười phía trên: “Cẩn thận không ngã đấy, xuống đây lát nữa mẹ lấy cho”.

Dứt câu, bà Thuân quay lại phía tôi cất giọng nhẹ nhàng hơn: “Đấy, chú xem, thèm thuốc lá nên bứt me đem đi bán lấy tiền mua đấy”.

Bà Thuân ra hiệu cho tôi ngồi ở bậc cửa chờ đợi trong khi bà chạy vào nhà, cầm ra 2 hộp sữa tươi. Tiến lại gần căn phòng đã được khóa kín bên ngoài bằng 2 lần khóa, bà dịu giọng: “Ra đây mẹ cho uống sữa này”.

Anh Vũ Đức Dũng (con trai thứ 2 của bà Thuân) ngày nào cũng lên cơn. Ảnh: Duẩn.

Như một thói quen, khi nghe bà Thuân nói dứt câu, một người đàn ông trên đầu còn lơ phơ mấy sợi tóc bung tấm chăn trên người ra để lộ thân hình không một mảnh vải che thân tiến lại phía cửa “chuồng” với tay lấy hộp sữa bà Thuân đưa cho hút lấy hút để.

Chỉ một thoáng sau, hộp sữa đã bị vo tròn vứt ra phía bên ngoài. Người đàn ông lại tiến lại vào phía trong, chiếc chăn lại trùm kín từ đầu đến chân.

Bà Thuân cầm hộp sữa thứ 2 tiến đến gần 1 chiếc “chuồng” tiếp theo nằm ngay sát cổng. Bà lại gọi, một người đàn ông khác dáng người to khỏe, lực lưỡng, không một mảnh vải che thân, khuôn mặt sáng với mái tóc dài lãng tử lại tiến đến cầm hộp sữa hút xong rồi lại ném trả bà chiếc vỏ hộp.

Anh Vũ Đức Cường (con trai cả của bà Thuân) đang ngồi trong "chuồng" uống sữa. Ảnh: Duẩn.

Uống xong hộp sữa, anh ta cười, rồi hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”. Dứt câu hát, người đàn ông lại phá lên cười, rồi chửi bới một câu gì đó nghe không được rõ.

Bà Thuân ghé miệng vào cửa chuồng, giọng nhỏ nhẹ: “Thôi, không chửi nữa, ném cho mẹ cái chăn để mẹ giặt”. Bà vừa lấy chiếc chăn từ trong “chuồng” ra, vừa với tay lấy cái vòi nước, xịt mạnh vào phía trong: “Tắm đi, kỳ đi cho đỡ ngứa”.

Dòng nước từ chiếc ống trên tay bà Thuân vừa xịt vào, người đàn ông lại dùng tay xoa xoa khắp người. Rồi như có vẻ lạnh, anh ta ngồi co quắp phía trong góc chuồng.

Xong công việc với hai đứa con, bà Thuân mới đi lên nhà, ngồi nói chuyện với tôi. Trong câu chuyện bà kể, tôi thấy có cả niềm vui lẫn sự đau khổ, xót thương cho số kiếp của ba người con tật nguyền. Tật nguyền ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Anh Vũ Đức Cường và Vũ Đức Ấm đều không thích mặc quần áo. Ảnh: Duẩn.

Nỗi bất hạnh của gia đình bà Thuân khởi đầu từ sự ra đi của người chồng bao năm đầu ấp tay gối. Ông Vũ Đức Ẩm (chồng bà Thuân), mất cách đây 5 năm vì căn bệnh ung thư máu.

“Hồi còn thanh niên, ông ấy rất nhanh nhẹn, tháo vát, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, kể từ khi đi bộ đội về, ông ấy có dấu hiệu không bình thường về thần kinh, sức khỏe cũng yếu hơn trước rất nhiều.

Tôi ngày trước nhà nghèo, không được học hành gì, một chữ cắn đôi không biết nên chỉ quanh quần với mấy sào lúa. Lúc đấy, có người mai mối ông ấy cho tôi. Nghĩ mình không được bằng ai, ông ấy cũng chẳng được như người ta nên tôi đồng ý. Hi vọng sau này về sống với nhau cuộc sống sẽ thay đổi”, bà Thuân nhớ lại.

Trên danh nghĩa là bộ đội bị thương phục biên trở về quê hương nhưng ông Ẩm không được nhà nước hỗ trợ một tý chế độ gì. Nguyên nhân là trong một lần lên cơn động kinh, ông Ẩm đã mang hết giấy tờ ngồi một chỗ và đốt sạch.

Bà Thuân ngước nhìn lên di ảnh người chồng quá cố chua chát kể: “Giờ ông ấy mất rồi, nói thì chú bảo ác mồm chứ từ ngày lấy nhau đến giờ ông ấy chưa giúp tôi được việc gì. Không đi tha thẩn một mình thì cũng ngồi cả ngày hút thuốc”.

3 lần sinh nở, 3 lần xót xa

Quãng thời gian sống bên nhau, ông bà có với nhau được 3 mặt con. Anh Vũ Đức Cường (SN 1983), Vũ Đức Dũng (SN 1985) và Vũ Đức Hải (SN 1990). Khi vừa lọt lòng mẹ, cả 3 đều kháu khỉnh, đáng yêu, bà con lối xóm ai cũng khen gia đình ông bà có phúc.

“Lấy ông ấy đã như vậy rồi nên khi sinh được 3 đứa con trai kháu khỉnh, bụ bẩm, tôi cũng cảm ơn trời phật vì đã thương lấy thân mình. Thế rồi có ai ngờ đâu, càng lớn lên thì chúng nó lại càng giống bố, cứ ngây ngây, ngô ngô rồi trở nên điên dại”, bà Thuân xót xa nhớ lại.

Trong số 3 người con của mình, người bà xót xa nhất là cậu con trai cả - anh Vũ Đức Cường. Theo như lời bà, Cường sinh ra khỏe mạnh, lớn lên rất đẹp trai, tuấn tú.

Di ảnh ông Vũ Đức Ẩm. Ảnh: Duẩn.

Vì là con cả nên Cường được ông bà cho ăn học đàng hoàng. Suốt những năm đi học, Cường được đánh giá là người có nhận thức khá, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đến hết năm lớp 12 thì Cường đột nhiên phát bệnh.

“Nó gặp ai cũng mở miệng chửi, chửi cả cô giáo, bố mẹ, nhiều lúc cùn lên nó còn đánh người. Một khi nó lên cơn thì không ai can ngăn nổi. Có lần mấy người đàn ông trong xóm hô hào bắt trói nó nhưng cũng không được”, bà Thuân nhớ lại.

Ngay sau khi thấy con trai phát bệnh, bà Thuân đưa con đi khắp nơi để chữa trị nhưng không khỏi. Bệnh của Cường mỗi lúc một nặng hơn, những lần gây gổ, đánh đập, phá làng, phá xóm ngày một tăng. Bất đắc dĩ, bà phải xây cho Cường một cái “chuồng” và nhốt vào đó.

Bà Thuân phun nước vào rửa "chuồng" và tắm cho con. Ảnh: Duẩn.

“Lúc nó phát bệnh, tôi dùng xích trói vào trấn song cửa nhưng không ăn thua, nó dùng sức bẻ gãy rồi lại chạy sang hàng xóm gây gổ, đánh lộn. Gặp ai ngoài đường nó cũng chửi, ai nói lại nó là nó lao vào đánh. Không sao được, vợ chồng tôi mới phải xây “chuồng” nhốt nó vào”, bà Thuân rơm rớm nước mắt khi nói về người con trai cả.

Bình thường Cường rất hiền, lúc thì đọc thơ, lúc thì hát, có khi lại gọi mẹ ngồi nói chuyện qua chấn song “chuồng” nhưng khi lên cơn thì Cường chửi bới, hò hét, ai thò tay vào là cắn. Có lần, khi đưa đồ ăn cho con, bà Thuân còn bị Cường bẻ đến gãy tay.

Trong khi người con trai cả mãi đến năm lớp 12 mới phát bệnh thì người con thứ hai là anh Vũ Đức Dũng lại mắc bệnh ngay từ khi mới lọt lòng.

Bà Thuân xúc động khi nhắc đến ba người con trai. Ảnh: Duẩn.

“Khi được 2 tuổi là chân tay nó cứ teo đi, mềm nhũn ra, không cầm nắm được gì, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, mặt mũi thì cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Khi lớn lên, nó cũng giống anh, tuy nhiên, thằng Cường còn thỉnh thoảng mới phát bệnh chứ thằng Dũng hầu như lúc nào cũng lên cơn.

Gặp ai nó cũng đánh, cũng chửi, tai quái hơn là nó hay đi phá mộ nhà người ta. Vớ được gạch nó ném gạch vỡ hết cả bia mộ. Nhặt được khúc cây nó lại cầm đập. Sợ nó gây họa, tôi lại cố vay mượn để xây chuồng nhốt nó vào như thằng Cường”, bà Thuân rầu rĩ kể.

Bà Thuân kể, mỗi khi lên cơn, Dũng hay tự mình giật tóc, giật lông chân có khi đến tóe máu nhưng vẫn không chịu thôi. “Mà nó không bao giờ ngủ nằm cả. Toàn trùm chăn xong tựa lưng vào tường ngủ. Thằng Cường với thằng Dũng giống nhau ở cái cứ mặc quần áo cho là chúng nó lột hết ra, không mặc gì”.

3 người con trai của bà Thuân được nhốt vào trong "chuồng" để không ra ngoài gây rối. Ảnh:Duẩn.

Trong ba người con của bà, anh Vũ Đức Hải đến thời điểm hiện tại là người tỉnh táo nhất. Hải nói chuyện được với mọi người và thỉnh thoảng mới bị phát bệnh.

Những khi như thế, Hải thường bỏ nhà đi lang thang cả tháng trời. Lần gần nhất Hải bỏ nhà ra đi gần 1 tháng. Khi đã quá lạnh và đói, Hải nằm co ro ở ven đường. Một số người công nhân làm việc gần đó mua đồ ăn rồi đăng tin báo nên bà Thuân mới tìm được con.

“Nhiều lần nó bỏ nhà đi, đến khi về  tôi lại thấy có vết thương trên người. Rồi thì chân tay xăm trổ, không biết ai xăm cho nó. Thằng Hải nghiện thuốc lá nặng, mỗi lần hết tiền mua thuốc nó lại leo lên cây me, vặt quả mang ra chợ bán lấy tiền mua về hút”, bà Thuân cho hay.

Anh Vũ Đức Dũng không bao giờ nằm ngủ. Ảnh: Duẩn.

Hải không hay đánh người, cũng ít khi chửi bới nhưng thỉnh thoảng lên cơn là anh lại lôi đồ đạc trong nhà ra đập phá. Trong những lúc lên cơn, nếu có ai nói gì, Hải thường lao vào để cắn. Có lần, bà Thuân còn bị Hải cắn chảy máu bả vai chỉ vì bảo con đừng đập phá đồ đạc nữa.

“Ngày nhỏ, nó bị con chó nhà hàng xóm cắn đến 3 lần. Có lần còn lên cơn có giật, bọt mép sàu ra, lần đó tôi tưởng nó không qua khỏi. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn cho nó một cái chuồng rồi. Nếu nó lại phá phách như các anh nó thì buộc lòng tôi phải nhốt nó vào”, bà Thuân tâm sự.

Khổ tận cam lai

Ba lần sinh nở là 3 lần bà phải nuốt nước mắt cay đắng tự tay nhốt các con vào chuồng để chúng đỡ phá phách, hành hung hàng xóm láng giềng. Bà Thuân kể, trước kia khi còn con gái, sức bà tự mình cày cấy cả mẫu ruộng mà vẫn chưa thấm vào đâu.

“Trước kia là thế thôi, tôi mới phải đi mổ cắt túi mật nên không còn sức nữa. Cố quá rồi lại chết ra đấy thì lấy ai nuôi chúng nó”, bà Thuân nói trong tiếng khóc nghẹn ngào.

Mỗi đêm, khi các con đã say ngủ, người mẹ ấy lại cặm cụi với chiếc đèn pin đi nhặt nhạnh từng mảnh ve chai về bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Bà bảo, ban đêm người ta đi ngủ hết rồi nên bà nhặt được nhiều hơn ban ngày.

Bà Thuân mong được chết sau các con để có thể chăm sóc các con hết đời. Ảnh: Duẩn.

“Trước tôi còn đi xa, nhặt được nhiều, chứ bây giờ chỉ quanh quẩn ngay gần nhà, còn phải trông nom chúng nó nữa. Khi không nhặt ve chai thì tôi lại trèo me, kiếm lấy vài đồng lo cho các con. Đấy cũng là 2 việc mà tôi có thể làm để kiếm sống”, bà cho biết.

Ái ngại trước hoàn cảnh éo le của bà, tôi có hỏi: “Sao bà không đưa các anh vào các trung tâm?” Bà Thuân nức nở: “Giờ tôi chỉ còn mỗi mình chúng nó, tôi không cho chúng nó đi đâu, về không nhìn thấy các con tôi lại nhớ rồi đâm bệnh ra”.

Với bà Thuân bây giờ, niềm mong mỏi lớn nhất của cuộc đời bà là được chết sau các con. Bà tâm sự: “Tôi chỉ mong mình được chết sau các con, nếu tôi chết trước thì ai sẽ là người chăm sóc chúng nó”.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus //