Chủng SARS-CoV-2 đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là Omicron
Kết quả phân tích gene của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy 10/10 mẫu bệnh phẩm của Đồng Nai gửi lên đều là biến chủng Omicron.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, tối 5/3, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho hay qua giám sát ngẫu nhiên khẳng định chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan trên địa bàn chủ yếu là biến chủng Omicron.
Trước đó, ngày 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai lấy 10 mẫu dương tính với Covid-19 tại cộng đồng thuộc nhiều địa phương khác nhau gửi lên Viện Pasteur thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene để xác định biến thể Omicron. Đến tối cùng ngày, Viện Pasteur trả lại kết quả cho Đồng Nai với 10/10 mẫu bệnh phẩm là chủng Omicron.
Chia sẻ trên VTV.VN, lãnh đạo CDC Đồng Nai cho biết: Xác định chủng virus đang lây lan nhanh ở Đồng Nai trong thời gian gần đây là biến chủng Omicron, do đó, tốc độ lây lan của dịch sẽ tiếp tục tăng cao, các biện pháp phòng chống dịch được triển khai theo kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron trên địa bàn tỉnh đã xây dựng.
Bên cạnh đó, hiện các cơ sở điều trị vẫn chưa hết công suất, bởi số bệnh nhân cần nhập viện và nặng dù có tăng hơn tháng 1 nhưng không cao. Ngoài các cơ sở đang hoạt động, Đồng Nai vẫn còn dự phòng một số cơ sở điều trị trước đây tạm dừng hoạt động.
Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 4.464 ca mắc mới trong ngày 4/3 (tăng 32,8% so với hôm trước). Trong đó, có 196 ca phát hiện qua xét nghiệm RT-PCR và 4.268 ca phát hiện qua xét nghiệm nhanh. Đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng gần 330.000 ca nhiễm, tỉ lệ tử vong 0,56%.
Một tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới tại Đồng Nai tiếp tục có xu hướng tăng cao. Nguồn lây ghi nhận phần lớn từ các cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện dạy và học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn. Từ đó tạo thành các ổ dịch thứ phát tại gia đình.
Song song đó, dù số ca nhiễm tăng nhanh nhưng số ca chuyển nặng, nguy kịch và tử vong hằng ngày không tăng. Nguyên nhân do ca nhiễm mới phần lớn ở lứa tuổi ít nguy cơ (dưới 18 tuổi).