Chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn thực 3/3 âm lịch đầy đủ và chuẩn nhất

20-03-2020 21:43:26

Vào dịp Tết Hàn thực mùng 3.3 Âm lịch mỗi năm, mọi gia đình người Việt đều tấp nập chuẩn bị mâm cúng đầy đủ, chuẩn phong tục nhất để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên của mình.

Người Việt rất chỉnh chu trong việc thờ cúng, thế nên việc sắp mâm lễ cúng Tết Hàn thực mùng 3/3 Âm lịch là điều rất quan trọng. Phật dạy ‘tùy tâm tín chủ’, chúng ta nên có “lễ mỏng tâm thành”. Mâm lễ cúng Tết Hàn 3/3 âm lịch thực cơ bản cần có những thứ sau:

Hương, hoa tươi

Hương và hoa tươi là những thứ vô cùng cần thiết có trên bàn thờ của mỗi nhà. Mỗi lễ cúng, dù to hay nhỏ, người Việt đều dâng lên nén hương và hoa tươi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với gia tiên. Do đó, vào ngày Tết Hàn thực, những thứ này không thể thiếu trên mâm cúng.

Trà

Nước trà là thứ không thể thiếu trong mỗi mâm cúng không riêng gì dịp Tết Hàn thực. Trà có thể để nguyên gói thanh tịnh, cũng có thể pha rồi rót ra 3 hoặc 5 chén nhỏ bày lên ban cúng.

Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả cũng là thứ cần thiết có trong mâm cúng dịp Tết Hàn thực. Tùy từng mùa, tùy điều kiện mỗi nhà, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím... để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.

Trầu cau, tiền vàng

Dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với sự tích trầu cau. Trên bàn thờ người Việt luôn luôn phải có trầu cau bởi chúng ta quan niệm “ miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trong Tết Hàn thực, không thế không có trầu cau khi sắp đồ cúng. Tục hóa tiền vàng là theo quan niệm “âm sao dương vậy”, người Việt tin rằng bên kia thế giới là một cuộc sống song song tồn tại của những người quá cố trong nhà.

Ly nước sạch

Mỗi lần thắp hương gia tiên hay những ngày rằm và mùng 1 đều không thể quên thay một ly nhỏ nước sạch trên bàn thờ. Dịp tết Hàn thực cũng vậy, nước còn là thể hiện cho tâm của gia chủ.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, đổ nước đường lên trên. Bày lên đĩa, để nguội, thắp hương. Đây là đồ cúng quan trọng nhất làm nên nét riêng cho Tết Hàn thực ở Việt Nam ta. Vì thế, người dân một số vùng Bắc Bộ nước ta còn gọi Tết Hàn thực là ngày Bánh trôi, bánh chay.

Lưu ý: 

Bánh trôi nguyên bản phải là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống.

Vào ngày Tết Hàn Thực 3/3 âm lịch này, các gia đình không cần phải chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //