Chọn sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10: Tăng tiến độ tiếp cận
Ngành Giáo dục các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy nhanh tiến độ chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Ngành Giáo dục các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Tinh thần chủ động tiếp cận, nghiên cứu SGK càng khẩn trương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chủ động trong bối cảnh dịch bệnh
Đầu tháng 3, ngành Giáo dục các địa phương ĐBSCL bắt đầu đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Nhà trường, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, kịp thời đóng góp ý kiến và chọn bộ sách phù hợp nhất. Rút kinh nghiệm từ năm trước, tinh thần chủ động tiếp cận, nghiên cứu SGK mới được đẩy nhanh và mạnh hơn, để công tác tập huấn, phát hành sách được triển khai đúng tiến độ.
Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, tỉnh đã phối hợp các nhà xuất bản, công ty tổ chức giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Do dịch bệnh phức tạp, việc giới thiệu SGK được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trong đó, điểm cầu chính đối với SGK lớp 3 được đặt tại Sở GD&ĐT và trên 480 điểm khác tại các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục có lớp tiểu học và cá nhân giáo viên trong toàn tỉnh với gần 7.000 đại biểu. SGK lớp 7 và lớp 10 có hơn 5.000 cán bộ, giáo viên tại 170 điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh tham dự.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ được ngành Giáo dục Đồng Tháp triển khai có hiệu quả. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường từ tỉnh đến huyện đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng số trong công tác chuyên môn, các hoạt động phong trào. Hệ thống vận hành tốt các nội dung họp trực tuyến, tập huấn chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, hội nghị từ Bộ GD&ĐT đến cơ sở...
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Sở yêu cầu tất cả các điểm cầu phải hết sức tập trung, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong việc nghiên cứu tất cả các SGK theo danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đặc biệt, cán bộ quản lí, giáo viên cần nắm chắc nội dung Chương trình GDPT 2018, từ đó có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn trong năm học 2022 - 2023.
Để đảm bảo tiến độ chọn SGK cho năm học tới, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang tổ chức giới thiệu SGK trực tuyến kết nối các đơn vị xuất bản với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục. Đối với bộ SGK lớp 3, toàn tỉnh có 3.856 đại biểu tham dự với 366 điểm cầu. Trước đó, các nhà xuất bản đã gửi đường link và bộ sách mẫu đến các cơ sở giáo dục và thông qua hội thảo làm cơ sở giúp giáo viên, nhà trường tìm hiểu. Từ đó có căn cứ để chọn lựa SGK phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương, đơn vị.
Thầy Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Long Xuyên, An Giang), cho biết: “Sau hội thảo, nhà trường sẽ tổ chức cho giáo viên dạy khối lớp 3 nghiên cứu và lựa chọn bộ sách phù hợp nhất trên tinh thần tính liên tục, tính kế thừa của Chương trình GDPT 2018...”.
Hội nghị giới thiệu SGK lớp 3 được Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Tuân thủ nghiêm quy trình
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã chủ động việc chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ sớm. Do tính chất quan trọng cũng như khối lớp dạy học theo Chương trình, SGK mới số lượng đông nên Sở khởi động lựa chọn SGK từ đầu năm học 2021 - 2022. Theo Sở GD&ĐT, tất cả các quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt; đặc biệt quy trình chọn SGK được địa phương triển khai với tinh thần công bằng, thực tế và khách quan. Dự kiến tỉnh hoàn tất các công việc chọn SGK trước tháng 5/2022.
Trong tháng 2/2022, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS và THPT ở tỉnh Tiền Giang đã triển khai Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông cho Hội đồng Sư phạm và Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và Quy định tiêu chí lựa chọn SGK các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong năm học 2022 - 2023.
Trong tháng 3, khối lượng công việc tương đối lớn. Sau khi thực hiện quy trình giới thiệu SGK từ các nhà xuất bản, hiệu trưởng các trường sẽ chỉ đạo và tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét và lựa chọn SGK. Các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK theo đúng chuyên môn và tiêu chí lựa chọn của tỉnh, tiến hành bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học…
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, việc chọn SGK là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành Giáo dục. Ngay từ đầu năm học, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo các trường quan tâm, chú ý rà soát, lựa chọn đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm để đứng dạy các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022 – 2023; Tiến hành rà soát cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị cần thiết để phục vụ kịp thời tiến độ triển khai chương trình…
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản và đơn vị sản xuất sách phải tổ chức các hình thức hội thảo giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đã được Bộ phê duyệt trước ngày 31/3. Điều này nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường, địa phương tìm hiểu, từ đó có căn cứ để chọn lựa SGK phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của đơn vị.
Đồng hành cùng các cơ sở giáo dục, nhà trường trong việc chọn SGK, tập huấn giáo viên cũng như cùng giáo viên tháo gỡ các khó khăn nếu có trong quá trình dạy và học, các nhà xuất bản đã chủ động gửi sách, tài liệu để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu. Một số nhà xuất bản còn chuẩn bị trên website nguồn học liệu phong phú, đa dạng giúp giáo viên dễ khai thác và vận dụng trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn sách.