Tràn lan bếp từ hàng nhái, hàng giả - được "ăn cả", ngã... mất tiền
Nhiều người lựa chọn dùng bếp từ bởi tính năng an toàn và gọn nhẹ. Mặc dù vậy, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường cũng khiến người tiêu dùng hoang mang không thể phân biệt thật - giả.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn bán hàng giả.
Cụ thể, một nhóm đối tượng sang Trung Quốc đặt hàng sản xuất bếp từ… nhái thương hiệu nổi tiếng. Sau khi được đem về Việt Nam xuất xứ "Made in China" được phù phép thành “Made in Italy", "Made in Malaysia" nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Sau khi kiểm tra kho hàng của Công ty Romal, tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cơ quan chức năng thu giữ 2.014 sản phẩm thiết bị nhà bếp gồm: bếp điện từ, bếp hồng ngoại, bếp ga, lò vi sóng, máy hút mùi, máy khử mùi, lò nướng… đều có xuất xứ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó đã có 135 sản phẩm được nhân viên của Công ty Romal dán nhãn xuất xứ “Made in Germany, Made in Italy, Made in Malaysia”.
Trước sự việc trên, Chất lượng Việt Nam cho biết, thị trường mua sắm bếp từ trước Tết đang trở nên sôi động. Tại nhiều siêu thị lớn khách hàng lựa chọn mua bếp từ nhiều hơn trước, nhiều nơi cháy hàng không có bếp để bán.
Bếp từ siêu rẻ chỉ từ 400.000 đồng - 1 triệu đồng được bày bán trên các tuyến phố thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng thực chất của sản phẩm này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bếp từ giá rẻ đa phần là hàng nhái, có thể gây nguy hiểm cho người dùng bất cứ lúc nào (Ảnh internet)
Ngoài những bếp từ ghi rõ xuất xứ Trung Quốc, một số loại bếp từ "nhái" sản phẩm của các hãng nổi tiếng như Kangaroo, Sunhouse, Philips hay một số thương hiệu nổi tiếng đến từ Italya, Đức được bày bán công khai với giá thành rẻ.
Tại một cửa hàng ở đường Trường Chinh, nhiều sản phẩm nhái thương hiệu của Việt Nam và Hàn Quốc. Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, nhiều đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuyến mãi, cho dùng thử, tặng kèm… để bán hàng kém chất lượng với giá cả trên trời. Dù rất đề phòng, nhưng nhiều người vẫn dính bẫy.
Những đối tượng bán bếp gas, bếp từ dạo thường đi theo từng nhóm từ 10-20 người, ngoài những thùng đồ đựng bếp gas, bếp điện, họ còn chở theo những bộ soong nồi, ấm, thau chậu bằng inox để làm hàng khuyến mãi.
Nhóm đối tượng này đi đến đâu mời chào đến đó, gặp ai họ cũng mời, họ tự xưng là nhân viên tiếp thị của các công ty bếp gas, bếp từ như Rinnai, Kaphachi, Orison …để giới thiệu sản phẩm. Với những lời hứa hẹn bảo hành cả năm trời đã khiến người dùng “mắc bẫy” và mua sản phẩm.
Chia sẻ với Đời sống Pháp luật về "tai nạn" sử dụng bếp từ, chị Đồng Thị Thùy (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã mua một bếp từ có tên Media về dùng. Sau 2 tuần, mặc dù vẫn báo kết nối điện nhưng bếp không tạo nhiệt. Sau khi mang bếp đến một cửa hàng sửa chữa, chị mới biết sản phẩm mình mua là hàng nhái