Chất độc chết người trong vụ tấn công hóa học tại Syria nguy hiểm thế nào?
Một vụ tấn công hóa học xảy ra tại thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib, Syria đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. Chất độc được sử dụng là sarin - một loại vũ khí hóa học cực độc bị cấm trong chiến tranh.
Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Tây Bắc Idlib của Syria ngày 4/4. Vụ tấn công đã khiến những nạn nhân bị suy hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa, chảy máu mũi dẫn đến tử vong.
Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết, khí độc hóa học được thả từ các máy bay xuống thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib, hiện do phe đối lập kiểm soát. Các nhà điều tra nói rằng vũ khí hóa học được sử dụng trong vụ tấn công trên là chất độc thần kinh sarin.
Các nạn nhân của vụ tấn công hóa học ở Syria. Ảnh: AP
Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), sarin là một trong những chất độc nguy hiểm nhất trong số các chất độc chiến tranh đã được biết đến. Sarin được các nhà khoa học Đức phát minh dưới dạng thuốc trừ sâu vào năm 1938. Tuy nhiên sau đó, quân đội Đức Quốc xã đã thâu tóm công thức này để sản xuất vũ khí hóa học. Sarin được Liên Hợp Quốc xếp vào danh sách vũ khí hủy diệt, cấm dùng trong chiến tranh.
Tên hóa học của sarin là isopropyl methylphosphonofluoridate. Đây là chất lỏng không màu, không mùi, có thể bay hơi. Sau khi lan tỏa ra không khí, nó sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể con người và trở thành mối đe dọa kinh hoàng. Theo CDC, chỉ cần sử dụng từ 1-10 ml sarin là có thể gây tử vong ở người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sarin có khả năng gây chết người mạnh gấp 26 lần so với xyanua. Khi một người hít phải hoặc hấp thu sarin qua da, chất độc này sẽ làm tê liệt trung tâm hô hấp của hệ thần kinh trung ương và khiến các cơ quanh phổi ngừng hoạt động. Hậu quả là nhiều người bị chết ngạt.
Khi tiếp xúc trực tiếp với sarin, con người sẽ có các triệu chứng như co giật, chảy nước mắt, nước mũi, đổ mồ hôi, ngừng hô hấp và bất tỉnh. Những người tiếp xúc với một lượng nhỏ chất độc sarin có thể sống sót mà không có biến chứng dài hạn. Tuy nhiên nếu tiếp xúc với một liều lượng lớn, con người ít có khả năng sống sót hoặc hồi phục hoàn toàn.
Nặng hơn không khí, chất độc này có thể tồn tại ở một khu vực đến 6 tiếng, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhìn chung, chất độc thần kinh sarin tác động nhanh và dễ sản xuất với công nghệ hóa học đơn giản, ít tốn kém và các nguyên liệu sẵn có.
Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa Bệnh dịch Mỹ, sarin có thể nhiễm vào thức ăn hoặc nguồn nước. Trung tâm này cũng nhấn mạnh rằng đã có thuốc giải độc sarin.
Theo đó, cách điều trị chính là tiêm một loại thuốc giải độc hóa học tên là atropine vào cơ thể để loại bỏ tác dụng của sarin vào hệ thần kinh. Atropine khá phổ biến và giá thành không quá đắt, có thể áp dụng hiệu quả cho các trường hợp nhiễm độc sarin.