Chất cấm khiến bác sĩ bất lực nhìn nhiều bệnh nhân tiểu đường ra đi tức tưởi thực chất là gì?
Ít nhất 5 người đã tử vong vì dùng loại thuốc này. Họ đều vào viện trong bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, sốc, có người suy đa tạng...
Thông tin thêm 2 nạn nhân của viên tễ, thuốc tiểu đường hoàn, khiến nhiều người tò mò về chất phenphormin trong viên "thuốc" này.
Tự tìm đến cái chết vì mua loại thuốc chứa chất cấm
Trở về từ cõi chết, bà B.L (60 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM) nói bà phát hiện mắc tiểu đường type 2 từ đầu năm 2018. Dù bác sĩ nói phải điều trị bằng thuốc. Cách đây vài tháng, bà L suy thận nên phải tiêm thuốc điều trị tiểu đường. Nhưng vì ngại cảnh đi bệnh viện tiêm thuốc thường xuyên nên bà L tự lên mạng tìm hiểu và đặt mua thuốc Tiểu đường hoàn.
Đó là loại thuốc đựng trong lọ nhựa, dạng viên tròn nhỏ, mỗi lọ có hơn 100 viên, giá 285.000 đồng.
Loại thuốc bà L mua trên mạng xã hội về uống. Ảnh: PNO
Không nghe lời bác sĩ, nhưng bà L nghe lời người bán loại thuốc này. Theo đó, mỗi ngày bà uống 6 viên. Uống đến tháng thứ 3 thì bà L bắt đầu mệt, căng thẳng, ăn kém, miệng nhạt. Dù bác sĩ cấm bà uống loại thuốc này khi bà nhờ tư vấn, nhưng bà vẫn uống lén.
Sau đó, bà L thấy tức ngực, thở khó, rất mệt mỏi, đau lưng liên tục, mỏi các cơ xương khớp nên người nhà đưa vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.
BSCKII Hoàng Ngọc Ánh – Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống Nhất cho hay sau vào viện, bà L có triệu chứng nặng hơn, khó thở, suy hô hấp, huyết áp không ổn định, có triệu chứng toan chuyển hóa, đường huyết lên rất cao không thể đo được. May mắn nhờ hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, tiêm, truyền thuốc đặc trị, lọc máu, bà L ổn định trở lại.
Nhiều nạn nhân của viên tiểu đường hoàn bị biến chứng phải lọc máu. Ảnh: PNO
Không may như bà L, một nạn nhân khác cũng của loại thuốc tễ tiểu đường hoàn vì diễn biến quá nặng, gia đình đã xin về. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận tới 5 ca là nạn nhân của tiểu đường hoàn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, ít nhất có 5 ca vì sử dụng viên tiểu đường hoàn mà tự đặt mình vào tình huống nguy kịch. 4/5 ca tử vong.
Viên thuốc chứa phenphormin mà các bệnh nhân tiểu đường sử dụng, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: V.Thu
Các bệnh nhân trên đều vào viện trong 1 bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao.
Các bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà tự điều trị bằng viên "tiểu đường hoàn" - màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, được bán tràn lan, mua rất dễ. Kết quả xét nghiệm các viên thuốc "tiểu đường hoàn" mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.
Phenphormin là gì mà nguy hiểm đến vậy?
Theo BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, phenphormin - Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, họ đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Theo BS Ánh, Phenphormin làm cho người bị tiểu đường hạ đường huyết rất nhanh do có chất gây ức chế Insulin khiến biến chứng yếu cơ, mệt mỏi, không thở được và toan máu chuyển hóa.
Một khi đã bị biến chứng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao; nhất là với người suy gan, suy thận do biến chứng tăng hơn 100 lần so với người thường, đặc biệt với người dưới 40 tuổi.
Các bác sĩ cho biết, đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sỹ.