Chân dung tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Đêm 9/5, ứng cử viên theo trường phái tự do, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra cùng ngày tại Hàn Quốc.
Kết quả thăm dò của 3 đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc gồm MBC, KBS và SBS cho thấy ông Moon nhận được 41,4% phiếu bầu, vượt xa ứng viên Đảng Hàn Quốc Tự do Hong Joon-pyo (23,3%) và ứng viên Đảng Nhân dân Ahn Cheol-soo (21,8%). Kết quả thăm dò trên được công bố ngay khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 20 giờ (giờ địa phương).
"Chúng ta sẽ hoàn thành hai nhiệm vụ được giao là cải tổ và thống nhất quốc gia, điều mà người dân mong muốn" - ông Moon tự tin phát biểu trước các thành viên Đảng Dân chủ và những người ủng hộ tại trụ sở đảng ở thủ đô Seoul sau khi có kết quả thăm dò.
Ông Moon nói thêm sẽ bắt đầu ngay vào công việc sau khi nhậm chức Tổng thống ngày 10/5. Ông có thể sẽ nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng và các vị trí chủ chốt trong nội các như bộ trưởng an ninh quốc gia và tài chính.
Ông Moon Jae In tuyên bố thắng cử Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AP
Phát biểu tại quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul, ông Moon tuyên bố: "Tôi sẽ là Tổng thống của toàn thể nhân dân Hàn Quốc". Xét theo khu vực, ông Moon dẫn đầu tại 13 khu vực, gồm Seoul, Busan, Incheon, Gwangju, Daejon, Ulsan, Gyeonggi, Gangwon, Chungbuk, Chungnam, Jeju.
Moon Jae-in sinh ngày 24/1/1953, là một luật sư Hàn Quốc. Ông là ứng viên của đảng Dân chủ và rất thân cận với cố Tổng thống Roh Moo Hyun. Ông được xem là chính khách có quan điểm tự do và tiến bộ, chủ trương đối thoại với Triều Tiên.
Một lợi thế lớn giúp ông Moon chiến thắng chính là vì rất nhiều cử tri do giận dữ với bà Park nên ghét lây cả ứng viên từ đảng của bà này. “Họ muốn trừng phạt đảng Saenuri vì những sai lầm dưới thời Park Geun Hye. Do đó, ứng viên Moon Jae In được xem là người trong sạch hơn”, giáo sư John Delury (Đại học Yonsei) nói với CNN.
Ông Moon từng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2012 nhưng thất bại trước bà Park Geun Hye. Ông chỉ trích bà Park và người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Lee Myung Bak vì đường lối cứng rắn trong việc tiếp cận Triều Tiên. Moon cho rằng một thập kỷ cầm quyền của những người phe bảo thủ tại Hàn Quốc không hề làm căng thẳng liên Triều giảm xuống.
Ông Moon Jae-in: "Tôi sẽ là Tổng thống của nhân dân Hàn Quốc". Ảnh: Yonhap
Guardian dẫn lời các cố vấn về đối ngoại của ông Moon tiết lộ rằng "bàn bạc về việc đàm phán" là một khả năng trong cách tiếp cận của ông với Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Tổng thống mới đắc cử vẫn loại trừ khả năng sẽ gặp gỡ để đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trừ khi Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân.
Chính quyền cựu Tổng thống Park Geun Hye và Tổng thống lâm thời Hwang Kyo Ahn chủ trương quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong việc đối phó Triều Tiên và đã thúc đẩy việc lắp đặt Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn trước khi nước này có tổng thống mới. Ông Moon chỉ trích hành động này là "thiếu dân chủ" và đặt chính quyền tiếp theo vào thế đã rồi.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Moon cũng phải bắt tay vào việc thực hiện một lời hứa khác là cải tổ hệ thống các tập đoàn Hàn Quốc vốn nhiều năm hưởng đặc lợi từ chính phủ và có mối liên hệ mật thiết với các quan chức.
Một khi lên nắm quyền, ông Moon sẽ phải gánh trọng trách hàn gắn sự chia rẽ về chính trị và kinh tế - xã hội trong nước. Một trong những thách thức đối ngoại trước mắt là xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia đang có một loạt động thái trả đũa về kinh tế để phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Chiến thắng của ông Moon, 64 tuổi, có thể dẫn đến thay đổi trong mối quan hệ với Triều Tiên và Mỹ, quốc gia đang triển khai 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc. Trong giai đoạn tranh cử, ông Moon cho biết muốn xem xét lại việc triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc và sẽ sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.