Chân dung tân Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định điều động ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, tại Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 19/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính điều động, bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực ngày 19/7.
Ngày 1/5, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN được quyết định nghỉ hưu theo chế độ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An về lại EVN
Trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương năm 2018, ông Đặng Hoàng An là Tổng Giám đốc EVN. Ông An là người am hiểu EVN và là người cũ nên việc điều hành EVN được cho là thuận lợi, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đặng Hoàng An sinh năm 1965 tại Bắc Giang, tốt nghiệp đại học chuyên ngành năng lượng điện tại Cộng hòa Czech và tốt nghiệp thạc sĩ quản lý hệ thống điện và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Học viện Công nghệ Châu Á, thông thạo tiếng Anh.
Ông An gắn bó nhiều năm với ngành điện từng trải qua các chức vụ tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1; trưởng Ban Kế hoạch EVN; Phó TGĐ và TGĐ EVN.
Hiện EVN đang đối diện với những vấn đề lớn trong cân đối tài chính, trong đó lỗ lớn từ sản xuất, kinh doanh hơn 26.000 tỷ đồng. Theo công bố kết quả kiểm tra về chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.
"Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Đặc biệt, gần đây trong thông báo kết luận kết quả thanh tra của Bộ Công Thương về cung ứng điện của EVN, nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện đã được chỉ ra.
Cụ thể các vi phạm, khuyết điểm của EVN và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện bao gồm: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; Chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện.
Đặc biệt, theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng điện.
Cụ thể, tại kết luận thanh tra cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan vừa được Bộ Công Thương công bố, đặc biệt: "EVN và các đơn vị liên quan không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng".