Cha con lão nông giữ gìn nhà thờ Bác Hồ
30 năm ông lập và chăm chút cho nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, định ngày giỗ Bác là 2/9 hàng năm. Ông mất, người con trai của ông lại tiếp tục lời nguyện của ba, sớm hôm hương khói trên bàn thờ Bác.
Anh Trần Văn Tám - con trai ông Trần Thanh Bình - người lập nhà thờ Bác trên đất xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) thổ lộ: “Trước khi nhắm mắt, ba chỉ mong tôi tiếp tục hương khói bàn thờ Bác sớm hôm”.
Lấy lương hưu xây nhà thờ Bác
Chuẩn bị ngày giỗ Bác vào 2/9 năm nay, Phó Chủ tịch xã Tân Phong Lê Văn Bình rủ tôi đến nhà anh Tám bàn chuyện làm giỗ. Năm nay là lần giỗ Bác Hồ thứ 2 mà ông Trần Thanh Bình không tham dự. Ông mất đầu năm 2018. Anh Tám ngồi tiếp chúng tôi nơi cái bàn đá cạnh nhà thờ Bác. Sau một hồi bàn chuyện, anh Tám chốt: “Giỗ Bác năm nay quy mô thế nào là do Đảng ủy, chính quyền xã quyết định. Xã lo nghi thức, khách mời, gia đình tôi lo làm cơm cúng và mời khách”.
Từ ngày ông Bình mất, anh Tám thay cha chăm sóc, nhang khói bàn thờ Bác. Ảnh: Trần Đáng
Theo anh Tám, giỗ Bác Hồ năm nay là lần thứ 30 gia đình anh tổ chức. Ngày ba anh còn sống, ông luôn tâm nguyện sẽ xây dựng một nhà thờ khang trang để mọi người ở địa phương có nơi hương khói Bác nhằm tỏ lòng tôn kính và biết ơn người đã “đem lại độc lập, tự do cho đất nước”.
“Sau khi nghỉ hưu, ba tôi bắt đầu dành dụm lương hưu rồi viết thư xin chính quyền xây nhà thờ Bác. Nhà thờ Bác lúc ấy, ông xây một trệt, một gác. Ông lấy gác làm nơi thờ tự rộng khoảng 20m2, lấy tầng trệt làm nơi ở để tiện sớm hôm nhang khói cho Bác” - anh Tám kể.
Nhà thờ được khánh thành đúng vào dịp 2/9/1989 và cũng là lần làm lễ giỗ đầu tiên của Bác tại đây. “Vài ngày trước lễ giỗ Bác, ba tôi lục đục ngồi ghi lại quá trình tìm đường cứu nước của Bác để đọc trong lễ giỗ cho mọi người nghe. Rồi ông mời khoảng 20 người gồm lãnh đạo xã, ấp, bà con cô bác ở xã tới nhà thờ dự lễ. Lễ khá gọn gàng, trang nghiêm” - anh Tám nhớ lại.
Và cứ thế, hằng năm cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, mọi người tề tựu tại nhà thờ Bác mà ông Bình xây dựng để dự lễ giỗ của Bác.
8 năm trước, ông Bình xây lại nhà thờ Bác. Tiền xây nhà thờ hơn 200 triệu đồng là lương hưu của ông gom góp. Ngôi nhà thờ được chia 2 gian: Phía trước rộng hơn 60m2 làm nhà thờ Bác, phía sau là phòng ông ở tiện cho việc quét dọn, nhang khói.
Tưởng nhớ và hiểu thêm về Bác
Ông Bình mất, anh Tám gánh vác tâm nguyện lớn nhất trong đời của ba anh, ngày ngày lo lau dọn, nhang khói nơi nhà thờ Bác. Với 60m2, gian thờ trở nên chật hẹp với bàn thờ và “bảo tàng mini”, hình ảnh về Bác và các anh hùng có công với đất nước. Chính giữa bàn thờ, tượng Bác Hồ bằng gỗ giáng hương được đặt khá trang trọng. Anh Tám cho biết, nguyên thủy đó là gốc gỗ giáng hương từ một người cháu đưa từ Tây Nguyên về tặng. Ông Bình đem gốc gỗ này đặt thợ tạo tác.
Riêng về “bảo tàng mini”, anh Tám kể, dù ở tuổi xế chiều, ông Bình tranh thủ thời gian rong ruổi đó đây đi sưu tầm những hình ảnh, hiện vật liên quan về Bác. “Nghe đâu có hình ảnh, hiện vật là ông đến nài nỉ xin mang về bổ sung kho tư liệu” - anh Tám thổ lộ.
Ngoài ra, nhiều người từ các tỉnh thành, biết ông trân quý những hình ảnh Bác, cũng gửi đến biếu ông để làm phong phú thêm nhà thờ Bác.
Anh Tám kể, ông Bình là cán bộ lão thành. Ông theo Thanh niên Tiền Phong cướp chính quyền ở xã ngay thời điểm Cách mạng Tháng Tám bùng lên ở Vĩnh Long. Năm 1955, Huyện ủy Chợ Lách điều ông về làm Bí thư xã. Cuối năm 1960, ông Bình bị giặc bắt đưa về Vĩnh Long rồi vào Chí Hoà. Giữa năm 1964, ông ra tù về Tân Phong làm Bí thư xã, tiếp tục chiến đấu. Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, ông rút về Đồng Tháp Mười hoạt động. Ông từng công tác tại Nông hội tỉnh Tiền Giang. Năm 1979 ông về hưu và ấp ủ thực hiện ý nguyện lập nhà thờ Bác.