Cảnh báo: Trẻ dễ bị rối loạn vận động nếu thường xuyên tiếp xúc với điện thoại di động

08-08-2017 11:32:04

Cho trẻ nhỏ dùng điện thoại nhiều rất nguy hại bởi chúng có thể là tác nhân gây bệnh như rối loạn vận động. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể sẽ xảy ra tình trạng nghiện điện thoại di động.

Ngày càng nhiều phần mềm và tính năng hữu ích của điện thoại di động có thể giúp các bậc cha mẹ dễ dàng kiểm soát và quản lý con cái. Bên cạnh đó, điện thoại cũng là "cửa ngõ" giúp bé khám phá những điều mới mẻ ở thế giới ngoài kia. Tuy nhiên, liệu có nên cho bé sử dụng điện thoại di động thường xuyên là một câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh đặt ra.

Mới đây, chia sẻ của một bà mẹ khiến nhiều người giật mình. Chị Phạm Thủy (Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, con chị năm nay đã 4 tuổi nhưng bé rất nghịch và hiếu động. Trước đây, cứ mỗi lần bé phá mà chị bận việc không thể chơi cùng bé thì sẽ cho bé xem hoạt hình trên điện thoại hoặc chơi Game. 

Đơn thuốc mà bác sĩ kê cho con trai chị Thủy vì sử dụng điện thoại quá nhiều

"Bé chơi, từ lúc 2 tuổi đến giờ. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. ban đầu, mình còn tưởng bé thích chơi đùa kiểu đó nên la mắng thậm chí còn đánh bé vì sợ sau này khi đã thành thói quen thì khó mà bỏ được nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp tục. Mình lo lắng nên cho bé lên Sài Gòn kiểm tra ở Bệnh viện Nhi đồng 1 chuyên khoa thần kinh thì bác sĩ bảo bé bị rối loạn TIC (rối loạn vận động) tạm thời", chị Thủy cho hay.

Theo lời chị Thủy thì, trước khi đưa điện thoại cho con chơi, chị đều để độ sáng mức thấp nhất nhưng bé lại không chịu, cứ kéo sáng hết nấc. Chị cũng cho biết, đây không phải lần đầu bé được chẩn đoán bệnh liên quan tới mắt do dùng điện thoại mà từ "năm bé 3 tuổi, mình cho bé đi khám thì bác sĩ bảo là bị khô giác mạc nên cho bé nhỏ mắt bằng nước muối, sau đó thì hết luôn". 

"Mỗi khi bé chú ý vào điện thoại hay tivi đều có biểu hiện giật cơ mặt, nhíu mũi", chị Thủy chia sẻ. Hiện tại, bé đang điều trị theo đơn thuốc mà bác sĩ đưa cho. Chị cũng nói thêm: "Trường hợp này của bé nhà mình là nhiều rồi, có nhiều bé thậm chí còn bị tự kỉ vì chỉ chơi điện thoại mà quên hết thế giới xung quanh cơ".

Trẻ em nghiện dùng điện thoại. Ảnh minh họa

Chị cũng muốn gửi lời cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh không nên cho con chơi điện thoại, bạn đừng chủ quan nghĩ là không sao. Có thể hiện tại chưa có biểu hiện gì nhưng tương lai thì ai dám chắc, đừng vì chủ quan mà để bé để lại tật. "Lúc trước mình cũng đọc được cảnh báo rồi nhưng cứ nghĩ bé chơi mãi rồi có sao đâu, giờ mới hiểu được. Cũng may là mình phát hiện sớm, mong là bé chỉ bị tạm thời chứ không rơi vào trường hợp bị giật liên tục vĩnh viễn như lời bác sĩ nói", chị Thủy nói.

Tháng 5/2014, các nhà khoa học Pháp đã đưa ra báo cáo cảnh báo những người thường xuyên sử dụng điện thoại di động có nguy cơ phát triển một số loại ung thư não.

Theo đó, các nhà khoa học Pháp phát hiện thấy những cá nhân sử dụng điện thoại hơn 15 tiếng mỗi ngày trong bình quân 5 năm có nguy cơ phát triển u màng não và u thần kinh đệm gấp 2 - 3 lần so với những người ít khi dùng điện thoại.

Trước đó, vào năm 2011 Viện Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) cho biết các tần số vô tuyến sử dụng trong điện thoại có thể gây ung thư. Hiện tại các nhà nghiên cứu phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc phải đưa ra bằng chứng rõ ràng trong phòng thí nghiệm rằng các tần số này ảnh hưởng đến tế bào con người.

Điện thoại cho trẻ nhỏ giống như đưa ma túy. Nguồn: VTC14

 

Q.N
Theo Đời sống Plus/GĐVN //