Cấm bán rượu, bia trên internet ở Việt Nam liệu có khả thi?

09-11-2018 10:45:03

Dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được trình Quốc hội. Tuy nhiên, quy định cấm bán rượu, bia trên internet vẫn còn có ý kiến khác nhau.


Quy định cấm bán rượu, bia trên internet vẫn còn có ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)

Sáng nay (9/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội. Dự án Luật này gồm 7 chương, 38 điều. 

Trong đó, đáng chú ý có quy định không được bán rượu, bia trên internet (khoản 3 Điều 20). Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.

Tuy nhiên số thành viên Ủy ban không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.

Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.

“Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng, dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn”, bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Về quản lý rượu thủ công được nêu trong Dự Luật, Ủy ban cho rằng quy định trong dự thảo Luật: “Vận động các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh chấm dứt việc sản xuất rượu” không mang tính quy phạm nên sẽ khó phát huy được tác dụng trong điều chỉnh thực tiễn. 

“Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc theo hướng quy định cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký việc sản xuất rượu với Ủy ban nhân dân cấp xã”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay.

Theo thống kêm mỗi năm trên thế giới, rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá. 

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. 

Nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. 

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. 

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình Việt Nam (HGĐ) đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% HGĐ xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất. 


Xem thêm video: Kêu gọi trai làng phục kích, phóng dao khiến 1 người tử vong

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //