Các địa phương linh hoạt trong việc dạy học khi F0 tăng nhanh
Do số ca F0 tăng nhanh ở trường học, nhiều địa phương đã linh hoạt chỉ đạo lịch dạy học cho trường học.
Tại Hà Nội, ngày 6/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã gửi thông báo tới các trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch tại địa bàn.
Cụ thể, Sở đề nghị các Trưởng Phòng GDĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và Thông báo đến các trường phổ thông, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có dịch cấp độ 3 thì cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ thứ hai, ngày 7/3.
Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh học tập trực tiếp theo kế hoạch.
Sở GDĐT Hà Nội cũng lưu ý, đối với những trường học đóng trên địa bàn xã phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 3-4 thì toàn trường chuyển sang phương án dạy học trực tuyến.
Trong tuần qua, có 326 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên. Đồng nghĩa sẽ có thêm khoảng gần 300 đơn vị trường học sẽ phải chuyển sang dạy trực tuyến kể từ ngày 7/3.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 7/2 đến 2/3, TP.HCM ghi nhận hơn 44.000 học sinh, giáo viên nghi mắc Covid-19, trong đó phát hiện tại trường là hơn 4.000 ca.
Sở GDĐT giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trong việc quyết định hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp phù hợp và linh hoạt trong thời kỳ bình thường mới.
Khi lớp học có số học sinh là F0, F1 chiếm từ 50% trở lên, hiệu trưởng các trường phải linh hoạt chuyển qua hình thức dạy học online cho lớp đó.
Nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ hai F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.
Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ hai lớp có F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
Ảnh minh họa (Báo Thanh Niên).
Tại Bạc Liêu, đối với cấp học mầm non, tỉnh Bạc Liêu cho trẻ dừng đến trường từ ngày 7/3 đến khi có thông báo mới; hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà.
Đối với cấp học tiểu học, học sinh dừng đến trường từ ngày 7.3 đến khi có thông báo mới, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trên truyền hình và các hình thức khác.
Đối với cấp học THCS, THPT (kể cả GDTX), nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động dạy học trực tiếp.
Sở GD&ĐT Bình Phước mới đây ra văn bản điều chỉnh việc dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non ở cấp độ 2 (vùng vàng), cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ) không đón trẻ đến trường. Giáo viên phối hợp cha mẹ trẻ để hỗ trợ chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà. Với học sinh lớp 1 đến lớp 6 tại địa bàn thuộc cấp độ 2, trường thực hiện kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, qua truyền hình. Tại địa bàn thuộc cấp độ 3, 4, học sinh tạm dừng đến lớp, chuyển sang học online, qua truyền hình.
Tại Đồng Nai, học sinh tại một số xã thuộc huyện Trảng Bom tạm dừng đến trường do nằm trong vùng dịch cấp độ 3. Trước đó, từ đầu tháng 3, TP Biên Hòa cũng quyết định tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến đối với 19 trường trên địa bàn phường Hiệp Hòa, Bửu Long, Tân Hiệp vì có số ca mắc Covid-19 tăng cao.
TP Buôn Ma Thuột cũng cho học sinh lớp 9 và lớp 12 chuyển sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, UBND tỉnh quyết định cho trẻ mầm non, học sinh các khối lớp khác trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường.