Ca sĩ Duy Mạnh: "Tôi không dám kêu gọi từ thiện, vì chắc chắn tôi sẽ ăn chặn"
"Nghệ sĩ cũng là con người thôi, bất kì ai cũng tồn tại lòng tham. Tôi nghe đến số tiền tỷ tôi cũng "thèm" lắm chứ. Chính bởi vậy mà tôi không dám làm từ thiện" – nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh chia sẻ với PV Dân Việt.
Tối qua (6/9), nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh đã cho ra mắt ca khúc mang tựa đề "Tôi không sao kê đâu" - một sản phẩm hợp tác cùng DJ Hiếu Phan. Ngay khi vừa "ra lò", MV này đã lập tức gây xôn xao mạng xã hội và thu về nửa triệu view sau gần 1 ngày dù không cần quảng bá.
PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với nam ca sĩ Duy Mạnh về ca khúc này cũng như những quan điểm của anh về việc nghệ sĩ làm từ thiện.
Ai chẳng tồn tại lòng tham?
Đâu là nguồn cảm hứng khiến anh sáng tác ca khúc "Tôi không sao kê đâu" – ca khúc có chứa từ khóa đang rất nóng ở thời điểm hiện tại?
- Thực ra, tôi ở trong nghề này rất lâu, từng đi hát chung với nhiều nghệ sĩ và cũng hiểu khá rõ về câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện. Tôi cho rằng, không ít người đang lợi dụng sự tốt đẹp của việc "từ thiện" để mưu lợi cho chính mình.
Cách đây 20 năm, nghệ sĩ đơn thuần sống bằng đam mê, họ yêu nghề và rất chân phương, nhưng theo thời gian, dưới tác động của xã hội vật chất, nhiều giá trị đã bị thay đổi, mai một. Ngày xưa, nghệ sĩ làm từ thiện bằng cách rủ nhau mua quà, kết hợp cùng một tờ báo tặng người nghèo, chụp vài ba tấm ảnh làm kỷ niệm.
Nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh (Ảnh: FBNV)
Từ khi có mạng xã hội, không ít nghệ sĩ đang lợi dụng chuyện từ thiện để kiếm tiền. Hai, ba năm trước, khi tôi nói vấn đề này, rất nhiều người "ném đá", cho rằng tôi bon chen, ghen tỵ. Tôi nhớ trong một lần đi nhậu, tôi ngồi với những người anh em, bạn bè trong xã hội, họ khoe tôi: "Em mới gửi tiền từ thiện đấy". Tôi bảo họ là: "Sao không gửi cho anh, những người ấy cũng giống anh thôi, cũng chơi bời, cũng tham lam, chỉ có điều anh khác họ bởi anh dám khoe ra, họ thì phải giấu đi để có hình ảnh đẹp, còn đi làm từ thiện".
Khi có lùm xùm xảy ra, họ mới nhận ra tôi nói đúng. Hôm nọ, mấy người anh em đó bảo tôi: "Bọn em đố anh viết một bài châm biếm chủ đề này đấy, chứ em mất tiền từ thiện oan em ức lắm rồi". Tôi bật cười, nhận lời và sau đó hoàn thiện ca khúc này chỉ trong một vài tiếng.
Trước giờ, âm nhạc của tôi vẫn vậy. Tôi không chỉ viết về tình yêu mà còn ghi lại những cảm xúc, cảm nhận của mình về cuộc sống, các vấn đề xã hội. Câu chuyện "sao kê" này cũng đơn giản thế thôi.
Không chỉ trong bài hát này mà trên mạng xã hội và báo chí, anh luôn khẳng định, nhiều nghệ sĩ đang dùng từ thiện kiếm lời. Tại sao vậy?
- Nói thật với bạn, nghệ sĩ cũng là con người thôi. Ai chẳng tồn tại lòng tham. Đồng nghiệp đôi lúc còn sân si nhau cả vị trí trên một tấm poster thì làm sao có thể dốc tâm, dốc sức cho người khác? Chúng ta cũng thấy những tranh chấp diễn ra trong mỗi gia đình, tính xấu nổi lên ở mỗi cá nhân khi đứng trước một khối tài sản lớn. Lòng tham cũng là điều bình thường, khó tránh khỏi.
Nhiều nghệ sĩ lên báo chí nói rằng, họ phải bán tài sản đi để làm từ thiện. Không ít người thì chụp ảnh, quay phim khẳng định rằng, mình khổ sở, vất vả này kia. Những người làm từ thiện thật họ lại không như vậy. Người chiến sĩ hy sinh chống lũ lụt, những bác sĩ qua đời vì dịch bệnh, có ai biết mặt biết tên họ đâu, nhưng những gì họ làm thật sự giá trị và đáng quý.
Trong ca khúc "Tôi không sao kê đâu", anh có đề cập tới nhiều khía cạnh tế nhị. Điều này chắc hẳn sẽ khiến nhiều đồng nghiệp của anh thấy không vui, chẳng lẽ anh không lo ngại vấn đề này?
- Tôi không chơi với giới văn nghệ sĩ nhiều nhưng tôi thấy ngược lại đấy chứ. Những người trong sáng, ngay thẳng thì họ không sợ, mà còn thích thú. Từ hôm qua tới nay, rất nhiều đồng nghiệp nhắn tin cho tôi và bảo rằng: "Ca khúc hay quá anh ạ, em cũng biết từ lâu rồi mà em không dám nói".
Thật ra, tôi thấy không ít đạo diễn, bầu show, ca sĩ, diễn viên mạnh miệng nói chuyện xã hội, chuyện trật tự an ninh, nhưng họ lại ngại nói tới vấn đề từ thiện, họ sợ đụng chạm tới đồng nghiệp, sợ mất quan hệ trong nghề. Tôi thì sống thẳng quen rồi, không ai ép tôi nói ngược những gì mình nghĩ được.
Ca sĩ Duy Mạnh cho rằng, các nhà hảo tâm không nên gửi tiền từ thiện cho cá nhân mà nên gửi tới những tổ chức uy tín. (Ảnh: FBNV)
Anh vừa nói rằng anh không có bạn bè trong giới. Điều đó có khiến anh khó khăn trong việc làm nghề không khi mà để tồn tại trong showbiz – việc giữ quan hệ vô cùng quan trọng?
- Đương nhiên nó có mặt hạn chế, nhưng tôi vẫn sống như vậy mà. Trước giờ, các mối quan hệ luôn tồn tại bởi 2 lý do: một là vui, hai là có lợi. Có nhiều người nghệ sĩ chọn cách quan hệ có lợi, họ quan hệ thân thiết với doanh nghiệp, kết nghĩa anh em để kiếm thêm thu nhập cho mình. Còn tôi làm gì, kể cả chơi Facebook cũng đều đặt niềm vui của mình lên đầu, tôi phải sướng trước đã. Tôi viết nhạc cũng vậy, sống cũng vậy.
Mục đích của tôi không phải xây dựng hình ảnh đẹp, tôi muốn sống vui, sống thoải mái, vừa đủ. Tôi vẫn hát, vẫn sáng tác và có nhiều người chủ động tìm tới với tôi. Có không ít người tôi biết cũng chẳng thích tôi lắm đâu nhưng khi họ nhắn tin xin bài hát, tôi vẫn cho mà không lấy đồng nào cả.
Sống đàng hoàng thì không phải sợ
Vấn đề "sao kê tiền từ thiện" đang gây sốt trong những ngày gần đây. Quan điểm của anh thế nào khi một số nghệ sĩ tuyên bố sẽ sao kê, còn một số ngược lại cho rằng "bắt chúng tôi sao kê chúng tôi không làm nữa"?
- Mình sống đàng hoàng thì sao phải sợ. Nếu tôi làm từ thiện đàng hoàng, ai bắt tôi sao kê, tôi nói thẳng vào mặt luôn: "Tôi không sao kê, thích thì kiện tôi, tôi sẽ giải trình lên công an chứ không phải giải trình với thiên hạ". Việc gì phải giãi bày nhiều.
Tôi không nói tới cá nhân nghệ sĩ nào cả, chỉ là với riêng tôi, tôi sẽ không giải thích, không trình bày. Cả triệu người gửi tiền, một hai người bắt sao kê mình cũng đi sao kê công khai ư? Chúng ta giải trình với người gửi tiền vào quỹ thôi, việc gì phải giải trình với thiên hạ.
Cốt lõi ở đây là cách làm. Nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ nước ngoài làm từ thiện rất khác nhau. Nếu như người nổi tiếng nước ngoài sử dụng sự ảnh hưởng của họ và quyên góp cho một quỹ từ thiện chuyên nghiệp thì tại Việt Nam, nghệ sĩ đều đưa số tài khoản cá nhân để kêu gọi. Điều này vô cùng hài hước.
Những người giàu họ không bao giờ từ thiện theo cá nhân đâu. Họ lập quỹ, kiểm soát chéo lẫn nhau và minh bạch thu chi, hoặc gửi vào Mặt trận Tổ quốc. Chính những người kinh tế trung bình hoặc không dư dả mới để cảm xúc chi phối nhiều. Họ tin yêu nghệ sĩ và hi vọng rằng, nghệ sĩ sẽ giúp họ chia sẻ với những người nghèo khổ.
Anh từng khẳng định không bao giờ đưa tiền cho người khác làm từ thiện để họ vừa được tiền, vừa được danh tiếng. Liệu điều này có gây tổn thương những nghệ sĩ đang làm từ thiện thực sự (nếu có) hay không?
- Thế tôi hỏi bạn, tại sao họ không lo cho gia đình trước rồi nếu dư tiền ra gửi tiền cho Mặt trận Tổ quốc làm hộ, tại sao phải mất công, mất sức? Tôi cũng muốn hỏi thêm là giờ nếu có một nghệ sĩ đứng lên hô hào rằng: "Tôi muốn làm từ thiện, các nghệ sĩ hãy ủng hộ tôi" thì có bao nhiêu người nghệ sĩ sẽ tin nghệ sĩ đó thực sự làm từ thiện?
Tôi nghĩ nếu thực sự có tâm, hãy dùng sự ảnh hưởng của mình và hô hào quyên góp cho một quỹ từ thiện uy tín. Ngoài ra, họ cũng có thể lập quỹ có kiểm toán, kế toán, có 3,4 người kiểm tra chéo với nhau và công khai các khoản tiền một cách cụ thể, minh bạch.
Liệu có khi nào một ngày, nghệ sĩ Duy Mạnh sẽ lên mạng hô hào làm từ thiện?
- Chắc chắn là không! Tôi cũng như mọi người thôi, tôi cũng tham lam, thấy tiền tỷ cũng ao ước. Nhưng tôi không dám hô hào bởi cầm một số tiền lớn, trách nhiệm kèm theo cũng rất lớn. Cầm càng nhiều tiền thì càng dễ nổi lòng tham. Tôi diễn không giỏi, mà diễn không giỏi thì dễ đi tù. Tôi lại rất sợ đi tù!
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Ca sĩ Duy Mạnh sinh 1975 tại Hải Phòng Anh từng theo học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Piano. Duy Mạnh nổi tiếng với hàng loạt ca khúc từng trở thành hiện tượng của làng nhạc Việt như "Tình em là đại dương"; "Kiếp đỏ đen"; "Dĩ vãng cuộc tình"; "Ta đâu có say"… |