Ca phẫu thuật bác sĩ phải quỳ để mổ cứu hai bé song sinh mắc bệnh nguy hiểm

22-11-2018 20:06:56

Hai bé song sinh của thai phụ 28 tuổi bị mắc hội chứng truyền máu song thai, tưởng như không thể giữ được 2 con vậy mà cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra.


Các bác sĩ BVĐK Tâm Anh tiến hành phẫu thuật cho sản phụ.

Ôm hai cậu con trai song sinh vào lòng, anh Hoàng - chị Trang (TP.Vinh, Nghệ An) vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ. Cơn ác mộng truyền máu song thai ập đến khi chị mang song thai 17 tuần, tưởng như mất con ở 19 tuần; nhưng cả ba mẹ con đã kiên cường chiến đấu đến 36 tuần thai. Hai bé trai kháu khỉnh xinh xắn chào đời hoàn toàn khỏe mạnh đã giúp cuộc sống của đại gia đình bước sang trang mới ngập tràn hạnh phúc.

Thai phụ Hồ Thị Huyền Trang (28 tuổi) nhập viện vào Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trong tình trạng vô cùng nguy cấp: song thai 19 tuần bị Hội chứng Truyền máu song thai nặng, một bé gần như cạn ối hoàn toàn, một bé đa ối và suy tim, kích thước tim lớn và tràn dịch màng tim. Góc ối sâu nhất của "thai cho" là 5mm, không nhìn thấy bàng quang, Doppler cuối tâm trương = 0.

Với "thai nhận", hình ảnh trục tim lệch sang bên trái, 4 buồng tim bất tương xứng, tâm nhĩ phải giãn to, hở van ba lá, hẹp động mạch phổi. Hai thận tăng âm, góc ối sâu nhất của thai nhận là 99 mm. Thai chỉ còn 5% hy vọng sống sót. 

Trước đó thai phụ được BS Đinh Thị Hiền Lê - Trưởng khoa Phụ sản – BVĐK Tâm Anh khuyên đi nước ngoài để chữa trị, vì truyền máu song thai rất nguy hiểm cho cả hai thai và đe dọa tính mạng mẹ...Khi chưa kịp ra nước ngoài thì tình trạng mẹ và hai thai nhanh chóng tiến triển xấu.

BV quyết định cứu hai thai bằng phẫu thuật nội soi - dùng tia laser cắt các mạch máu nối thông giữa hai thai để không phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên ca phẫu thuật này vô cùng khó khăn vì bánh rau bám ở mặt trước tử cung (mặt tiếp giáp thành bụng), cản trở đường vào cho phẫu thuật.


Hình ảnh minh họa về Truyền máu song thai.

Lần đầu tiên xử lý một ca nội soi trong buồng ối vô cùng phức tạp, đường vào chỉ vỏn vẹn 1mm, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê – Trưởng khoa Phụ sản – BVĐK Tâm Anh phải mổ trong tư thế quỳ nhưng kết quả phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, lượng ối hai thai đã cân bằng và tuần hoàn đã tốt, hai thai trở lại bình thường.

Nhớ lại về ca phẫu thuật ấy, chị Trang chia sẻ, 45 phút mổ cấp cứu trong bụng mẹ là 45 phút sinh tử, suốt cuộc đời chị chẳng thể nào quên... Cả gia đình chị chuyển từ trạng thái lo sợ tột cùng sang xúc động nghẹn ngào khi ca phẫu thuật thành công.

Khi thai được 36 tuần, gia đình nhỏ của anh Hoàng, chị Trang hạnh phúc ngập tràn đón 2 bé trai song sinh khỏe mạnh, kết thúc hành trình thai kỳ đầy gian nan sóng gió và thử thách.

Ca mổ cấp cứu trong bụng mẹ tại BVĐK Tâm Anh trở thành kỳ tích của y học nước nhà và là điều kỳ diệu nhất đối với gia đình thai phụ. BVĐK Tâm Anh cũng ghi tên vào kỷ lục Lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ca mổ phức tạp, cứu sản phụ và song thai nhau bám mặt trước, bị hội chứng truyền máu song thai, mang đến niềm hy vọng cho hàng ngàn những trường hợp tương tự có thể điều trị ngay trong nước.

Hội chứng truyền máu song thai là hai hoặc nhiều thai nhi chỉ có chung một bánh nhau, thường gặp trong song thai cùng trứng có sự phân chia trễ. Sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu…

Nếu hội chứng xuất hiện trước tuần 20 của thai kỳ, thai nhi tử vong gần như 100%, mức độ nặng xảy ra trước tuần 16 sẽ cân nhắc chấm dứt thai kỳ. Hội chứng chia làm 5 giai đoạn, ở giai đoạn 3 song thai gặp nguy hiểm, giai đoạn 4 rơi vào nguy kịch, còn giai đoạn 5 thì một hoặc cả 2 bé bị chết lưu. Nếu một trong hai thai chết lưu thì thai còn lại sẽ tử vong trong bụng mẹ.


Xem thêm clip: 100 bà bầu thì 99 người hiểu sai về việc cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ - Thứ trưởng Bộ Y tế phản bác

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //