Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới được thực hiện thế nào?
Các bác sĩ ở Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới. Hiện sức khỏe người này đang ổn định.
Ngày 10/1, các bác sĩ Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) thông báo đã thực hiện thành công ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng ở Batimore được thực hiện vào ngày 7/1 vừa qua.
Ca phẫu thuật đại diện cho một cột mốc quan trọng trong kỹ thuật cấy ghép tạng động vật cho người đồng thời cũng mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.
Người được ghép tim thành công là ông David Bennett, 57 tuổi. Ban đầu, bệnh nhân được xác định là không đủ điều kiện để được ghép tim người. Một ngày trước ca phẫu thuật, ông Bennett cho biết: "Tình trạng của tôi chỉ có hai khả năng hoặc là sẽ chết hoặc là thực hiện ca phẫu thuật này. Tôi muốn sống. Tôi biết đây là một ca may ít rủi nhiều nhưng nó là sự lựa chọn và hy vọng cuối cùng của tôi".
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, ca cấy ghép cho thấy một quả tim từ động vật biến đổi gen có thể hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải ngay lập tức.
Bác sĩ Bartley Griffith (Giám đốc chương trình cấy ghép tim tại trung tâm y tế) - người thực hiện ca phẫu thuật kể lại cuộc trò chuyện với bệnh nhân 57 tuổi khi thảo luận về phương tháp điều trị thử nghiệm vào giữa tháng 12/2021.
"Tôi nói 'anh không thể ghép tim người vì cơ thể không đủ điều kiện nhưng chúng tôi sẽ ghép tim cho anh từ trái tim lợn. Chúng tôi chưa từng làm điều này trước đây, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ thành công'", tiến sĩ Griffith kể lại.
Được biết, trước khi đưa ra lựa chọn cho Bennett, Griffith đã cấy ghép tim lợn vào khoảng 50 con khỉ đầu chó trong hơn 5 năm.
Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene 10 lần. Các nhà khoa học đã loại bỏ hoặc bất hoạt 4 đoạn gene, gồm một gene mã hóa phân tử gây phản ứng thải ghép ở người. Một gene tăng trưởng bị bất hoạt để ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép.
Việc chỉnh sửa gene được thực hiện bởi Công ty công nghệ sinh học Revivicor của Mỹ. Đây cũng là công ty cung cấp con heo trong ca ghép thận đột phá trên những bệnh nhân chết não ở New York hồi tháng 10/2021.
Chia sẻ cảm xúc sau khi ca phẫu thuật ghép tim lợn cho người thành công, tiến sĩ Griffith cho biết: "Tim đập và có mạch, có áp lực như thể tim của anh ấy. Trái tim đang hoạt động bình thường. Chúng tôi rất vui mừng nhưng cũng chưa biết tình hình ngày mai sẽ thế nào. Đây là điều chưa từng có tiền lệ".
Mặc dù còn quá sớm để biết liệu ca phẫu thuật có thành công hay không, nhưng điều này đánh dấu một bước tiến trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép cho con người.
Ngày 10/1, ông Bennett đã thở được trong khi vẫn kết nối với máy tim phổi. Vài tuần tới sẽ rất quan trọng khi ông Bennett hồi phục sau ca mổ. Các bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng tim của ông.
Sự thiếu hụt rất lớn các bộ phận cơ thể người để cấy ghép khiến giới khoa học phải cố gắng tìm ra cách sử dụng nội tạng động vật để thay thế.
Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, Giám đốc khoa học Chương trình cấy ghép động vật sang người, Đại học Maryland, nói: “Nếu giải pháp này thành công, sẽ có một nguồn cung cấp vô tận cho những bệnh nhân đang nguy kịch”.
Tuy nhiên, những ca cấy ghép như vậy trước đây đều thất bại, phần lớn do cơ thể bệnh nhân nhanh chóng từ chối nội tạng động vật. Năm 1984, Baby Fae, một trẻ sơ sinh, đã sống 21 ngày với trái tim khỉ đầu chó.
Nhưng lần này, các bác sĩ phẫu thuật ở Maryland sử dụng quả tim từ một con lợn đã trải qua quá trình chỉnh sửa gen. Họ loại bỏ một loại đường trong tế bào của lợn, nguyên nhân gây ra sự đào thải nội tạng siêu nhanh. Một số công ty công nghệ sinh học đang phát triển nội tạng lợn để cấy ghép cho người.