Bữa cơm gia đình gắn kết tình thân
Bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình có thời gian chăm sóc, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Xã hội hiện đại, vì nhiều yếu tố chi phối, cha mẹ mãi chạy theo công việc, con cái bận rộn chuyện học hành, bè bạn… việc quây quần bên mâm cơm gia đình nóng hổi mỗi tối dần trở thành một dịp hiếm hoi. Vì thế, để không khí gia đình luôn đầm ấm, nhiều gia đình đã linh hoạt sắp xếp, tìm cách duy trì bữa cơm, vun đắp tình cảm thêm khăng khít.
Nhà chị Mỹ Hoa ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) có 4 thành viên, chồng chị Hoa hay đi công tác tỉnh, hai con gái sinh đôi 14 tuổi học cả ngày ở trường nên chị Mỹ Hoa dành trọn 2 ngày cuối tuần để cả nhà quây quần tổ chức nấu ăn. Chị và chồng phân công mỗi người nấu 1 ngày, cho các con lên thực đơn theo yêu cầu, sẵn dịp dạy các con kỹ năng bếp núc.
Chị Hoa cho biết: “Ðối với tôi, bữa cơm gia đình rất quan trọng. Vấn đề không phải ăn gì, bao nhiêu lần trong ngày mà là chất lượng, không khí bữa ăn ra sao. Tôi muốn chồng con cảm thấy bữa ăn gia đình thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau, mọi khó khăn, vướng mắc hay chuyện vui đều có thể chia sẻ, các con tự do bày tỏ ý kiến của mình. Thông qua những bữa cơm nhà, mọi người dường như gắn bó, hiểu nhau hơn”.
Bữa cơm gia đình là nơi thắp lửa, giữ ấm hạnh phúc.
Cũng vì chuyện bữa cơm mà trước đây gia đình chị Kim Yến, ở quận Bình Thủy, (TP Cần Thơ) đôi khi mất vui. Má chồng lớn tuổi, ở nhà một mình buồn, nhưng do công việc giờ giấc thất thường nên nhiều khi vợ chồng chị không về ăn trưa được thì má buồn lòng.
Chị Yến tâm sự: “Nhiều lúc tôi về trễ, thấy má ăn một mình, mâm cơm nguội lạnh, có khi má không ăn. Tôi cũng ăn qua loa vì đến giờ đi làm, không có thời gian nghỉ ngơi. Thấy cứ gò ép như vậy hai bên đều không thoải mái nên tôi lựa lời giải thích, mong má thông cảm cho buổi trưa, hẹn ăn cùng nhau bữa chiều. Nhờ có bữa cơm này mà chồng tôi bớt đi nhậu bên ngoài, gia đình buổi tối ấm cúng bên nhau. Má nói dù bận rộn cỡ nào cũng nên giữ bếp nhà đỏ lửa, đó không chỉ là ăn uống mà còn là sự quan tâm, chăm sóc nhau.”
Nhà chị Tuyết Ngân ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chị Ngân làm việc theo giờ hành chính, chồng kinh doanh tự do, 2 con đang đi học. Buổi trưa, con trai chị thường ăn với bạn rồi ở lại trường học; chồng chị đi làm cũng ngại đi về nên đặt cơm phần ăn rồi ở lại công ty làm việc. Không thể để mọi người ăn bên ngoài, chị Ngân chuẩn bị chu đáo bữa sáng và tối. Chồng chị Ngân thường làm việc khuya nên chị luôn chuẩn bị sẵn một số món phù hợp, chế biến nhanh. Chị Ngân chia sẻ: “Dẫu cực nhưng tôi ráng duy trì việc nấu ăn, vừa tiết kiệm, đủ dinh dưỡng mà còn vui. Cuối tuần, tôi sắp xếp đưa các con cùng đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm, chồng con muốn ăn món gì thì tôi đều tìm hiểu để nấu.”
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, với cuộc sống hối hả đã làm cho việc sắp xếp bữa cơm chung có đủ mặt mọi người quả thật không đơn giản. Vai trò của bữa cơm gia đình đang ngày càng mờ nhạt khi cảnh “cơm hàng, cháo chợ” đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các gia đình. Việc tham gia vào các hoạt động sau giờ làm việc chính thức ở cơ quan, công ty, xí nghiệp cũng làm cho bữa cơm gia đình ngày càng “nguội lạnh”. Chính vì thế, việc nấu cơm hằng ngày trong mỗi gia đình hiện đang là vấn đề nan giải.
Dù ở thời đại nào bữa ăn gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng, là nơi thắp lửa, giữ ấm hạnh phúc. Để duy trì bữa cơm gia đình, đòi hỏi mỗi thành viên phải có ý thức trách nhiệm, chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà trước giờ ăn cơm, cùng tham gia vào chuẩn bị bữa ăn. Trong đó, người chồng phải thể hiện sự quan tâm, trân trọng bữa cơm gia đình, tham gia cùng vợ chuyện bếp núc để niềm hạnh phúc bình dị của gia đình được nhân đôi.
Đặc biệt, việc cả nhà ăn cơm cùng nhau, tạo cho trẻ cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình, sự hấp dẫn từ những món ăn… Đó là những chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bữa ăn thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua.