Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu vaccine Covid-19

07-11-2022 11:09:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19. Trong đó, cần lưu ý về việc mua vaccine; nếu thiếu Bộ Y tế sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thông tin trên Báo Thanh niên cho biết, tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán.

Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến Covid-19 đánh giá thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19, vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vaccine vẫn là giải pháp có tính chiến lược, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, đặc biệt là thúc đẩy việc tiêm vaccine.

"Không có vaccine thì dễ nhiễm Covid-19, dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng, chống dịch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương, tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý về việc mua vaccine Covid-19; không để thiếu vaccine, trường hợp thiếu Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được.

Các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ, nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông và các bộ, ngành, địa phương đều phải coi trọng công tác này. Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch, tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia các biện pháp phòng, chống dịch.

Về tình tình tiêm chủng vaccine tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 05/11 có 16.097 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 262.297.376 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.014.186 liều: Mũi 1 là 71.074.599 liều; Mũi 2 là 68.669.167 liều; Mũi bổ sung là 14.502.146 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.294.232 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.474.042 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.510.495 liều: Mũi 1 là 9.118.054 liều; Mũi 2 là 8.904.216 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.488.225 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.772.695 liều: Mũi 1 là 9.875.573 liều; Mũi 2 là 6.897.122 liều.

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng Covid-19, trong đó 01/07 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 06/07 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.

Dù chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //