Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra đánh giá nguyên nhân tử vong do COVID-19 tại TP.HCM
Bộ Y tế vừa lập các đoàn đi kiểm tra TPHCM, một số tỉnh phía Nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19 để đánh giá nguyên nhân tử vong.
Theo đó, đoàn gồm 28 thành viên, trong đó trưởng đoàn là PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Ngoài thành viên của Bộ Y tế, đoàn còn có sự tham gia của đại diện Sở Y tế TPHCM và chuyên gia của một số bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhân dân 115 TPHCM.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo, chủ động trưng tập chuyên gia của các bệnh viện tham gia đoàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xếp lịch đi kiểm tra TPHCM, một số tỉnh phía Nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, từ làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát từ ngày 27/4 đến nay đã hơn 5 tháng. Dịch xuất hiện ở tất cả các tỉnh thành từ Bắc đến Nam, đặc biệt là một số tỉnh thành có số ca mắc rất lớn là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, sau đó là TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong công tác điều trị, nhờ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong. SARS-CoV-2 là virus rất phức tạp, luôn biến đổi. Đặc biệt là biến chủng Delta gây nên sự khó xử trong công tác điều trị: lây lan rất nhanh, mật độ virus tập trung trên dịch tiết hô hấp trên 1.000 lần so với các biến chủng trước đó. Ngoài ra, diễn biến bệnh ở một số đối tượng như người lớn, người có bệnh nền trở rất nặng khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong tăng rất cao.
Theo Thứ trưởng đến ngày 30/11, Việt Nam sẽ cơ bản đạt chỉ tiêu về độ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Vì thế, xu hướng hiện nay là không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, mà khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Thay vì đó, các địa phương sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều hơn. Có thể thời gian tới sẽ lấy đó làm tiêu chí để đánh giá dịch bệnh tại địa bàn.
Bộ Y tế nhận định, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Dự báo, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.