Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhân sốt, đau đầu cũng vào tuyến trung ương khiến các bệnh viện quá tải trầm trọng

11-06-2019 21:51:57

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thay vì điều trị cho 20 bệnh nhân nặng lại điều trị cho cả 500 bệnh nhân cả nặng cả nhẹ, điều này dẫn tỉ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện dài, chẩn đoán nhầm lẫn, bỏ sót.


Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa dịch, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng Bộ Y tế đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019”, kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Còn tại Việt Nam, bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017, tuy nhiên số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố. 

Theo Bộ trưởng, ngành y tế phải chủ động phòng chống dịch chứ không đợi dịch xảy ra mới đi dập. Muốn công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì truyền thông phải đi trước một bước. Tuy nhiên thời gian qua, đáng lẽ nên hướng dẫn người dân làm thế nào để không mắc bệnh, thì truyền thông lại chỉ phản ánh tình hình dịch bệnh tăng hay không. Người dân muốn tìm hiểu những kiến thức để phòng bệnh thì lại không có. Các chương trình thời sự, truyền hình đều quay ở các giường bệnh, tức là lúc đó sự việc đã xảy ra rồi. 


Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại trạm y tế xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Về công tác điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh tránh chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bỏ sót ca bệnh nặng, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị để giảm quá tải và lây nhiễm chéo cho người bệnh, không để quá tải.

"Nếu các nhà lâm sàng không sàng lọc và phân loại bệnh thì đau đầu, sốt cũng vào tuyến trung ương. Nhiều bệnh nhân đang nghi bị sốt xuất huyết độ 1, độ 2 cũng vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Nhi Trung ương, khiến các bệnh viện quá tải trầm trọng.", Bộ trưởng Tiến cho hay.

Theo Bộ trưởng, số lượng bác sĩ của mỗi bệnh viện chỉ có giới hạn nhưng nếu tiếp nhận cả bệnh nhân nặng và nhẹ thì dẫn đến thực trạng thay vì điều trị cho 20 bệnh nhân nặng lại điều trị cho cả 500 bệnh nhân cả nặng cả nhẹ, điều này dẫn tỉ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện dài, chẩn đoán nhầm lẫn, bỏ sót.

Người đứng đầu ngành y tế cũng nhắc lại câu chuyện đau xót về ở dịch sởi năm 2014 với gần 150 cháu bé tử vong. Đó là khi khi bệnh viện quá đông dẫn đén lây nhiễm chéo, cháu bị viêm đường hô hấp vào nằm cạnh cháu bị tay chân miệng lại lây thêm bệnh tay chân miệng, bị tay chân miệng vào bệnh viện thì lại lây viêm màng não. 

Qua đó Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Nếu bệnh nhân bị nhẹ thì phải chuyển xuống bệnh viện tuyến quận, huyện thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày. Đã có quá nhiều bài học từ các năm trước, bệnh viện đã không có chỗ mà bệnh nhân cứ nằm la liệt không kể bị nặng hay nhẹ. Điều này gây quá tải và đẩy áp lực lớn lên ngành y và chính các bệnh viện.".

Lê Minh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //