Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp thì không quá lớn'
“Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam khoảng trên dưới 4%. Như vậy, tỷ lệ việc làm của người có trình độ đại học đạt khoảng 95-97%”, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành giáo dục chỉ được trực tiếp chi 5% kinh phí dành cho giáo dục
Trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH tuần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi tới các ĐBQH để nêu về những vấn đề nóng của ngành giáo dục mà vừa qua dư luận xã hội và các ĐĐQH quan tâm như chất lượng giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục phổ thông, mầm non ngoài công lập và vấn đề đạo đức của giáo viên, HS-SV.
Trong đó, về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định thời gian qua ngành đã có nhiều giải pháp để nâng cao vị thế các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu Á.
Số trường đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng top 400 trường của khu vực châu Á ngày càng tăng, năm 2017 có 5 trường trong top này cho thấy bước đầu có chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.
Dù vậy, những hạn chế của GDĐH vẫn còn nhiều. Chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.
Về số lao động có trình độ đại học không có việc làm, Bộ GD-ĐT cho rằng, 200.000 lao động có trình độ đại học chưa có việc làm nhưng nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ 3%-4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động.
“Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam khoảng trên dưới 4%. Như vậy, tỷ lệ việc làm của người có trình độ đại học đạt khoảng 95-97%”, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan khiến chất lượng GDĐH còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhận nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và các bộ ngành.
Theo đó, cơ chế chính sách về GD-ĐT còn nhiều bất cập. Phạm vi tự chủ đại học còn hẹp; thiết chế quản trị như hội đồng trường, hội đồng quản trị chưa hiệu quả. Mức học phí chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo.
Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng.
Quản lý đào tạo chưa theo chuẩn quốc tế nên hạn chế trong liên thông, liên kết, trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với nước ngoài. Cơ sở GDĐH chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế, nhân sự, tài chính, tài sản.
Chưa đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao; thu nhập của giảng viên đại học thấp, chưa thu hút được nhiều người giỏi và chưa tạo động lực làm việc.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, một trong nguyên nhân khiến chất lượng GDĐH còn thấp là do tài chính eo hẹp, chi phí thấp, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nghèo nàn, chưa tạo môi trường làm việc cho các nhà khoa học giỏi, nhất là các nhà khoa học nước ngoài hoặc Việt kiều, chưa đủ nguồn lực để đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Việc thành lập trường, mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh… chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là khi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại những lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, kỹ năng thiết yếu nhất trong thập kỷ tới, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề, trình độ, công nghệ đào tạo.
Việc triển khai áp dụng Khung trình độ quốc gia còn chậm; chương trình đào tạo còn nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm cho người học. Chậm cập nhật, kết nối giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của thị trường lao động..
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tài chính của GDĐH không bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách và nguồn thu học phí nên khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục gần 20% nhưng chủ yếu là chi thường xuyên (chi lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động bộ máy), chiếm khoảng 86,7%. Chi cho đầu tư chỉ chiếm 13,3% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Trong đó, Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý chưa đến 5% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT, 95% còn lại do các bộ ngành và địa phương quản lý và sử dụng.
“Bộ GD-ĐT khó có thể tham gia, đề xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp GD-ĐT ở các bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Kết quả khảo sát của ActionAid Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cuối năm 2016, ngân sách nhà nước dành cho GDĐH (gồm cả cao đẳng) còn hạn chế với khoảng 12% tổng ngân sách dành cho giáo dục.
Từ thực trạng trên, một trong giải pháp để nâng cao chất lượng GDĐH mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất là tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính GDĐH, các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đại học. Ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
Xem thêm: Bộ trưởng GD-ĐT: 'Tên gọi học phí là do mọi người quen tai'